
Cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, nhà cửa và hoa màu cho tỉnh Kon Tum, đặc biệt huyện Tu Mơ Rông là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Toàn huyện Tu Mơ Rông có 117 căn nhà bị sập, hơn 300 nhà bị tốc mái, siêu vẹo và 729 hộ của 16 thôn của 8 xã trong huyện nằm trong vùng nguy cơ lở núi, phải di dời đến nơi khác. Để sẻ chia những khó khăn, ngày 21-10, đại diện Báo SGGP phối hợp với Báo Kon Tum đã trao 1.500m² tôn, trị giá 95 triệu đồng cho đồng bào vùng “rốn lũ” Tu Mơ Rông (ảnh).
Báo SGGP, Báo Kon Tum và lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông đã thống nhất trao số tôn trên cho thôn Đăk Kinh 2 (có 23 hộ) ở xã Ngọc Lây- huyện Tu Mơ Rông, bởi vì tất cả số hộ của thôn Đăk Kinh 2 nằm trong vùng nguy cơ lở núi phải di dời đi nơi khác. Việc hỗ trợ tôn là việc làm rất thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào dân tộc huyện Tu Mơ Rông đang cần trong lúc khó khăn này.
Cùng ngày, Báo Hànộimới phối hợp với Báo Kon Tum cũng trao gần 4.000m² tôn, với tổng trị giá 250 triệu đồng cho nhân dân vùng lũ huyện Tu Mơ Rông. Toàn bộ số tôn trên đã được trao cho 60 hộ với 258 nhân khẩu của làng Mô Pành 2 (xã Đăk Na) - thôn bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của cơn bão số 9 vừa qua.

Trong ngày, Văn phòng Báo SGGP tại miền Trung đã trao số tiền 13,5 triệu đồng cho đại diện gia đình mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Trần Thị Hợi, ở thôn Tân Bình Tư, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Mẹ Trần Thị Hợi có 2 con trai tham gia kháng chiến chống Mỹ, cùng hy sinh năm 1975 đều là liệt sĩ. Bản thân mẹ Hợi cũng là giao liên, nuôi giấu cán bộ kháng chiến và được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Căn nhà hiện tại thờ mẹ VNAH Trần Thị Hợi và hai liệt sĩ còn đơn sơ, trong cơn bão số 9 vừa qua, đã thổi bay mái tôn, sạt vách, hư hỏng nặng.
V.Phương - H.Minh
Nghệ sĩ ủng hộ gần 135 triệu đồng Ngày 21-10, ông Võ Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Ca nhạc Trống Đồng và nghệ sĩ hài Hữu Lộc đã đến Báo SGGP trao số tiền 134.930.000 đồng để chuyển đến bà con bị thiệt hại do bão lũ tại miền Trung. X.Nghĩa Tây Giang (Quảng Nam): Hơn 6.000 dân có nguy cơ đói Từ cuối tháng 9-2009 đến nay, bão số 9 đã qua hơn 20 ngày nhưng hơn 6.000 dân 4 xã biên giới Tr’Hy, A Xan, G’ry và Ch’Ơm vẫn bị cô lập và có nguy cơ đói do sạt lở núi. Hiện 70 tấn gạo do UBND tỉnh Quảng Nam cấp và UBND TP Hội An hỗ trợ đã được tập kết tại trung tâm huyện Tây Giang nhưng không có đường để lên 4 xã trên. Trao đổi với PV SGGP, ông Bh’riu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, trong nhiều ngày qua, UBND huyện Tây Giang đã điều phương tiện và người nỗ lực thông tuyến để đưa lương thực lên ứng cứu cho 4 xã biên giới nhưng do đường sạt lở quá nặng nên đến 16 giờ ngày 21-10 mới cơ bản thông tuyến. Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, người được giao trách nhiệm đưa lương thực, mì tôm và nhu yếu phẩm cần thiết lên cho 4 xã biên giới của huyện cho biết: ngay trong chiều 21-10, UBND huyện Tây Giang đã huy động 10 xe tải hai cầu của các đơn vị thi công tại huyện để đưa 60 tấn gạo và 2.500 thùng mì tôm đến ứng cứu khẩn cấp 6.000 dân và 700 học sinh tại 4 xã này. Tuy nhiên, mặc dù nỗ lực thông tuyến nhưng xe tải cũng chỉ đưa hàng cứu trợ đến xã A Xan và sẽ tiếp tục chuyển tiếp đến Tr’Hy. Riêng hai xã G’Ry, Ch’Ơm phải cắt cử hàng trăm người dân đi bộ gần 2 ngày để xuống A Xan gùi lương thực lên. UBND huyện Tây Giang cũng huy động hơn 100 công an, quân đội và dân quân tự vệ lên gùi hàng trung chuyển cho bà con nơi đây. Tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị xuất hiện mưa vừa đến mưa to. Chiều 21-10, lũ trên các sông Hương, sông Bồ xấp xỉ báo động 2, riêng sông Ô Lâu xấp xỉ báo động 3... Các tuyến tỉnh lộ nối các huyện vùng thấp trung về trung tâm TP Huế bị ngập lụt cục bộ nhiều đoạn, riêng tỉnh lộ 4B đoạn qua địa bàn xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền bị ngập sâu gần 1m. Khôi - Thắng - Uyên |