Kho tàng âm nhạc truyền thống dân gian ở nước ta đến nay còn lưu giữ được nhiều loại hình âm nhạc quý, như: quan họ, ca trù, chèo cổ, hát xẩm, cải lương, đồng dao, hát xoan, hát lượn, cồng chiêng, dân ca các dân tộc, nhã nhạc cung đình, nhạc lễ… với nhiều nhạc cụ dân tộc mang tính bản sắc độc đáo. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi các di sản âm nhạc cổ truyền lần lượt được vinh danh trước thế giới, nhiều người mới nhìn lại toàn cảnh bức tranh âm nhạc dân tộc để rồi chợt giật mình thấy rằng chúng ta hình như mới chỉ bảo tồn được “phần xác” của âm nhạc cổ truyền, còn “phần hồn” tinh túy thì ít nhiều đã bị mai một.
Âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung không tồn tại dưới dạng văn bản chi tiết như bản nhạc phương Tây, các tác phẩm luôn tồn tại với nhiều dị bản khác nhau, đặc biệt nghệ thuật truyền thống là diễn xướng, là sự ngẫu hứng ứng tác. Do vậy mọi hình thức bảo tồn, lưu trữ bằng các phương tiện nghe nhìn, bằng công nghệ hiện đại chỉ bảo lưu được một phần nhỏ nào đó những giá trị vốn có của âm nhạc dân tộc, phần lớn còn lại tồn tại cùng với “phần hồn” của người nghệ sĩ - chính là những nghệ nhân cổ nhạc. Không phải ngẫu nhiên người ta ví nghệ nhân là những người nắm giữ “phần hồn” của vốn âm nhạc cổ truyền. Lối tư duy tác phẩm theo bản năng kết hợp ngẫu hứng ứng tác, phần “xương thịt” và “phần hồn” của tác phẩm dường như phải ngấm vào máu để trở thành phản xạ tự nhiên của nghệ nhân mỗi khi biểu diễn sáng tạo. Nói cách khác, toàn bộ các giá trị nghệ thuật tinh tế của tác phẩm luôn tiềm ẩn trong khối óc và con tim nghệ nhân.
Nhưng, những người nắm giữ phần hồn của di sản ấy đã và đang được bảo tồn, phát huy thế nào? Theo Ban Nghiên cứu Di sản văn hóa phi vật thể Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam, hiện những nghệ nhân cổ nhạc giỏi nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đang tiếp tục hao hụt từng ngày bởi tuổi già sức yếu. Trong rất nhiều trường hợp, không ít những “bảo tàng sống” này đã mang vào lòng đất những tinh túy của âm nhạc dân tộc mà không kịp trao truyền cho lớp kế cận. Hàng chục năm qua, đã có không ít lời hô hào kêu gọi mọi người bảo vệ âm nhạc cổ truyền dân tộc, song thực tế sẽ là một câu hỏi làm giật mình người mộ điệu khi đặt vấn đề với các ông bố bà mẹ là họ có muốn con cái mình theo học cổ nhạc Việt Nam? Rất ít câu trả lời “có” khi mà đời sống kinh tế của chính những bậc thầy - nghệ nhân cũng như của nhiều người gắn bó với âm nhạc cổ truyền… quá đỗi hiu hắt.
Thời xã hội hóa, doanh nghiệp có thể mạnh tay đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các loại hình âm nhạc được cho là “mới”, nuôi dưỡng mô hình nghệ thuật hiện đại... nhưng lại dè dặt khi được mời gọi đầu tư cho kho tàng di sản cổ nhạc của cha ông. NSƯT Ba Tu, một nhạc sĩ bậc thầy về âm nhạc dân tộc, tay đờn kìm nổi tiếng cho biết: Muốn học ca tài tử, một người có thể mất 3 tháng; còn nhạc công tài tử, phải đến 3 năm chưa chắc một người đã học được đờn tài tử!
Những ngày đầu năm mới, một tin vui mang đến khi Bộ VH-TT-DL bắt tay thực hiện “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020”. Muốn trân trọng và giữ gìn vốn di sản ấy, việc hoạch định một chính sách cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung, cho các diễn viên, nghệ nhân cổ nhạc nói riêng là vô cùng cấp bách.
MINH AN