Di tích Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vừa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 22-12-2016, đã mở ra cơ hội trong bảo tồn, lưu giữ những giá trị của Phật viện Đồng Dương, một di tích tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo Chămpa ở Đông Nam Á.
Theo các tài liệu ghi chép trên tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều tại làng Đồng Dương. Theo mô tả của nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier, toàn bộ khu vực kiến trúc liên hoàn kéo dài xuyên suốt hơn 1.330m, bắt nguồn từ hướng Tây và chấm dứt ở hướng Đông. Riêng khu vực chánh điện thờ Phật là một vành đai hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m với hệ thống tường rào bao bọc kiên cố xung quanh. Từ chánh điện mở ra một con đường rộng 763m hướng thẳng về phía Đông để dẫn vào một thung lũng hình chữ nhật có diện tích 1.080m2. Trung tâm Phật viện Đồng Dương có tầm quan trọng đối với đạo Phật các nước trong khu vực. Tầm quan trọng của nó đã khiến cho Đồng Dương tồn tại gần 600 năm dù rằng dòng chuyển biến của lịch sử và chiến tranh tàn phá.
Phật viện Đồng Dương chỉ còn một Tháp Sáng được chèn chống bằng sắt thép. Ảnh: Nguyễn Trang
Hàng thế kỷ trôi qua, thời gian, chiến tranh, con người đã làm cho Phật viện chỉ còn là một phế tích. Hiện nay, tháp cổng được gọi là Tháp Sáng, là mảnh tường duy nhất xót lại. Đường vào Phật viện Đồng Dương bao bọc bởi cỏ dại, những ao nước đọng, vẻ hoang vu của Phật viện không có người trông nom.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó phòng VH-TT huyện Thăng Bình, cho biết: “Trước nguy cơ sụp đổ Tháp Sáng, tỉnh Quảng Nam cùng huyện tiến hành chống đỡ bằng hệ thống sắt thép để giữ vững tháp”. Theo bà Thu, dưới lòng đất của Phật viện còn nhiều hiện vật chưa được khai quật. Vào năm 1901, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Finot đã khảo sát và ông đã tìm thấy 229 hiện vật, gây ấn tượng nhất là pho tượng Phật bằng đồng thau cao 1,08m.
Để bảo tồn Phật viện Đồng Dương, trước hết cần có giải pháp tối ưu tu bổ, tôn tạo di tích. Theo ông Trương Hồng Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Thăng Bình, hiện tại ban quản lý đang thực hiện các hạng mục ban đầu xây dựng đường giao thông, tường rào, cổng chào nhằm bảo vệ khu di tích với diện tích 5ha, tổng mức đầu tư hơn 4,4 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Công trình đường giao thông bê tông cấp 4 đồng bằng, xây dựng mới tường rào, cổng chào với chiều dài 738m, xây gạch thẻ trên mặt đất tự nhiên, tường rào mềm bằng lưới B40, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2017.
Hiện tại, các giải pháp bảo tồn, trùng tu Phật viện Đồng Dương vẫn chưa có sự thống nhất bởi lẽ kỹ thuật xây tháp của người Chăm khá phức tạp. Hầu hết các đền tháp được phục dựng như các tháp Chăm tại Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Tháp Đôi… đều áp dụng các kỹ thuật hiện đại để liên kết các khối xây cũ và khối xây mới, xây bổ khuyết chịu lực cho các mảng tường bị đổ, khoan neo các vị trí nứt lớn, gia cố bằng bê tông cốt thép đặt ngầm trong thân tháp…
“Di tích Phật viện Đồng Dương là di tích quan trọng vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa, khi Phật viện được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt sẽ mở ra cơ hội để bảo tồn, lưu giữ di tích. Một tín hiệu vui trước thềm năm mới, vừa qua, một công ty du lịch đã đến tìm hiểu và dự kiến xây dựng khu du lịch tâm linh tại khu vực di tích”, bà Thu cho biết.
NGUYỄN TRANG