Bảo tồn và phát huy giá trị cây thuốc Việt - Bài 2: Xóa nghèo từ cây thuốc

Đau xót trước nhiều loại cây dược liệu có giá trị bị khai thác cạn kiệt và xuất lậu tràn lan, những năm qua, Bộ Y tế cùng nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã xây dựng và phát triển được một số vùng chuyên canh cây dược liệu. 
Chế biến dược liệu tươi thành sản phẩm thuốc y học cổ truyền ở Hà Giang
Chế biến dược liệu tươi thành sản phẩm thuốc y học cổ truyền ở Hà Giang

Trong đó, huyện Quản Bạ, Hà Giang được xem là điểm sáng khi vùng đất “cổng trời” phía Bắc này đang có nhiều hoạt động bảo tồn, phát triển diện tích trồng cây dược liệu và cơ sở chế biến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Phủ xanh bằng cây thuốc

Từ thành phố Hà Giang ngược lên hướng Bắc sau gần 20 cây số đường khá bằng phẳng, chúng tôi bắt đầu vượt đèo Pắc Sum quanh co qua những vách núi tai mèo dựng đứng, chênh vênh bên vực sâu hun hút, vượt thêm mấy con dốc lò xo và những khúc cua tay áo, chúng tôi lên tới cổng trời Quản Bạ, nơi có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển để vào thị trấn Tam Sơn - trung tâm của huyện Quản Bạ... Gặp chúng tôi, ông Giàng Cồ Diu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quản Bạ, vui mừng cho biết: Vài năm gần đây, Quản Bạ thay đổi nhiều rồi vì bà con dân tộc ở vùng cao núi đá này giờ không còn phó mặc với quan niệm “sống trên đá, chết vùi trong đá”. Nhiều hộ dân đang đua nhau làm kinh tế bằng chính các đặc sản của địa phương để thoát nghèo. 

Để chứng minh cho sự “thay da đổi thịt” của vùng đất biên ải xa xôi này, ông Diu dẫn chúng tôi đi thăm Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nậm Đăm chuyên trồng và chế biến dược liệu. Anh Lý Tà Rèn, Giám đốc HTX cộng đồng Nậm Đăm, nói: “Quản Bạ là huyện cửa ngõ của Cao nguyên đá, với lợi thế là vùng có khí hậu mát mẻ nên nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng, như: Giảo cổ lam, Thảo quả, Ba kích, Đương quy, Đan sâm, Bạch chỉ... Với khát vọng phát triển tiềm năng, thế mạnh dược liệu của địa phương, tôi đã đứng ra vay vốn của ngân hàng để lập HTX cộng đồng Nậm Đăm”. 

Tuy nhiên, nếu chỉ trồng cây dược liệu đơn thuần thì khó có hiệu quả cao nên anh Rèn đã vận động hơn 20 xã viên là những hộ dân trong thôn Nậm Đăm cùng tham gia hợp tác, cho thuê lại đất để mở rộng vùng trồng dược liệu, rồi cùng nhau vay vốn ngân hàng góp lại để mở xưởng chiết xuất, điều chế nhiều loại cao lỏng, thuốc nam từ cây dược liệu chủ lực của địa phương như: Đương quy, Atisô, Bình vôi... để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhớ lại những ngày đầu gian khó, anh Rèn chia sẻ: “Cuối năm 2014, khi HTX mới đi vào hoạt động, chúng tôi chỉ có hơn 300 triệu đồng vốn cùng khoảng 10ha đất trồng dược liệu. Tới nay, diện tích trồng dược liệu đã mở rộng gấp 3 lần và doanh thu của HTX cũng tăng lên khoảng 2 tỷ đồng/năm. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, mỗi xã viên được trả lương từ 3-4 triệu đồng, ngoài ra mỗi người vào cuối năm còn được trả một khoản tiền khác lớn hơn nhiều từ số “cổ phần” góp vốn”.

Để có được sự phát triển và lợi nhuận như hiện nay, “ông chủ” của HTX cộng đồng Nậm Đăm đã phải vắt óc, lăn lộn khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước tiên, để sản phẩm đạt chất lượng và có uy tín, anh Rèn đã tìm tới Đại học Dược Hà Nội và nhận được sự giúp đỡ tích cực của PGS-TS Trần Văn Ơn (Trưởng bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội, Chủ tịch - Giám đốc Công ty DK Pharma, Bộ Y tế) về chuyên môn và quy trình sản xuất. Sản phẩm làm ra được, chàng trai trẻ người Dao - Lý Tà Rèn lại tìm hướng liên kết với một số doanh nghiệp dược để tiêu thụ sản phẩm, rồi đích thân mang sản phẩm đi tham gia, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm nông nghiệp và y dược từ Bắc chí Nam.

Cũng là một trong nhưng cơ sở trồng dược liệu có tiếng ở Quản Bạ, anh Vàng Thìn Nghì (ở thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến) cho biết, từ năm 2013 gia đình anh đã chuyển đổi 3ha đất nông nghiệp sang trồng cây dược liệu. Đến năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền, anh Nghì tiếp tục vay vốn ngân hàng để thuê đất liên kết trồng 35ha Đương quy, Đan sâm và gừng. Đến nay, nhờ việc trồng dược liệu mà gia đình anh Nghì có thu nhập trên 700 triệu đồng/năm. Hơn nữa, cùng với mở rộng diện tích trồng cây dược liệu của gia đình, anh Nghì còn tuyên truyền người dân thực hiện liên doanh, liên kết trồng cây dược liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm bà con trồng được, từ đó góp phần vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Doanh nghiệp vào cuộc

Tại vùng đất Quản Bạ, cửa ngõ của Cao nguyên đá, không chỉ có nhiều hộ dân địa phương mạnh dạn trồng dược liệu mà những năm qua, không ít doanh nghiệp ở dưới xuôi cũng lên vùng đất biên ải này để tổ chức các vùng trồng dược liệu vì nơi đây có lợi thế khí hậu mát mẻ, nguồn dược liệu tự nhiên đa dạng.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn trồng cây dược liệu được trồng theo tiêu chuẩn GACP - WHO, lãnh đạo Công ty CP Thương mại phát triển nông lâm nghiệp Bình Minh, kể: “Sau hơn 5 năm phát triển vùng trồng dược liệu sạch với nhiều loại cây có giá trị cao như: Đẳng sâm, Tam thất, Đương quy, Bạch chỉ, Hà thủ ô, Sa nhân..., chúng tôi đã có lợi nhuận, cũng như tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Có những giai đoạn cao điểm, công ty chúng tôi có tới 500 - 600 người dân địa phương làm việc. Phần lớn sản phẩm của chúng tôi sau khi được thu hái, sơ chế đều được xuất khẩu sang Nhật hay Hàn Quốc với giá trị cao hơn nhiều so với việc xuất dược liệu thô”.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, xác định dược liệu là những loại cây có giá trị kinh tế cao nên những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển mạnh diện tích trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Với nhiều giải pháp linh hoạt, đến nay Hà Giang đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp vào đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn. Trong đó chỉ riêng ở Quản Bạ, cùng với nhiều hộ dân và một số doanh nghiệp tham gia trồng và chế biến dược liệu thì Công ty DK Pharma còn giúp huyện Quản Bạ tạo dựng mô hình HTX sản xuất dược liệu tại các xã trên địa bàn với hình thức giúp đỡ về kỹ thuật và góp vốn cổ phần vào HTX để trồng, chế biến dược liệu. Đồng thời, triển khai Dự án “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc người Dao và cải thiện sinh kế thông qua phát triển dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ du lịch cộng đồng ở xã Quản Bạ”.

Thống kê của UBND huyện Quản Bạ, tới nay, diện tích cây dược liệu ở địa phương đã lên tới hơn 3.000ha tại 9/13 xã và thị trấn của địa phương. Diện tích các loại cây dược liệu ngày càng tăng ở Quản Bạ không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển nhiều loại dược liệu quý của địa phương mà còn tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân. Đồng thời, hình thành mối liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất dược liệu thông qua việc thành lập các HTX, tổ hợp tác vệ tinh trong phát triển dược liệu. Ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho rằng, việc phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn và hình thành mối liên kết giữa người dân, HTX và doanh nghiệp đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. 

Tuy nhiên để khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn dược liệu của địa phương cần hoàn thiện hơn nữa quy hoạch phát triển dược liệu theo hướng cụ thể đến từng cây, từng vùng và từng doanh nghiệp. Về phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân đầu tư vào phát triển dược liệu. Cần làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu. Đồng thời, mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân, trồng sản xuất cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO để có dược liệu vừa sạch, vừa có tiêu chuẩn chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục