Bảo tồn và phát huy giá trị cây thuốc Việt- Bài 4: Giấc mơ vùng dược liệu

Trăn trở và mong muốn bảo tồn với những bài thuốc quý của cha ông, đưa cây dược liệu trở thành cây trồng phổ biến, nâng cao thu nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng nuôi dưỡng giấc mơ về những cánh đồng dược liệu. Nhưng ước muốn và niềm đam mê vẫn còn ngổn ngang.
Người dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch Đương quy. Ảnh: THÀNH AN
Người dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch Đương quy. Ảnh: THÀNH AN

Người gàn dở

Vùng kinh tế mới Đông Thanh, huyện Lâm Hà từ lâu nổi tiếng với bạt ngàn những rẫy cà phê, dâu tằm. Đã có một thời, những cây trồng này giúp người dân nơi đây thoát khỏi cảnh nghèo đói, nhất là đối với những gia đình đi làm kinh tế mới. 

Như bao gia đình khác, nhà anh Lê Văn Chiến (34 tuổi, thôn Tầm xá, xã Đông Thanh) lận đận hơn 10 năm ở nhiều vùng trước khi đến “an cư” tại đây vào năm 2000. Đưa chúng tôi ra khu vườn sau nhà, anh Chiến bắt đầu câu chuyện về cây dược liệu: “Dù có chuyển nơi ở nhiều lần, qua các địa phương khác nhau, nhưng sinh thời bố tôi vẫn mang theo những bài thuốc, những giống cây dược liệu. Với niềm đam mê, ông đau đáu giấc mơ phát triển một vùng chuyên canh sản xuất dược liệu đại trà phục vụ người dân.

Bố của anh Chiến là ông Lê Văn Biết, quê gốc ở Vĩnh Phúc. Thời thanh niên, ông Biết ngang dọc các tỉnh miền núi phía Bắc và được người dân vùng cao truyền lại cách phân biệt những loại cây thuốc trong rừng. Những bài thuốc dân gian quý giá ấy, làm từ cây Hoàng kỳ, Sâm quy, Đẳng sâm, được ông mang theo khi đi làm kinh tế mới… Cuối năm 2013, người dân thôn Tầm Xá truyền tai nhau sự ngạc nhiên khi thấy ông Biết một mình vào rẫy, tự tay đốn hạ toàn bộ diện tích cà phê của gia đình đang ra trái, rồi vài tháng sau, người dân thấy ông vác trên vai bao hạt giống ở đâu về trồng.

“Nhiều người nói chồng tôi bị dở hơi, vừa phá vườn cà phê lại mang về thứ cây gì mà ở đây chưa ai dám trồng. Biết ông ấy quyết tâm làm nên tôi cũng không cản được. Rồi ông ấy ra Viện Nghiên cứu cây trồng dược liệu Trung ương đặt hạt giống cây Đương quy về trồng trên diện tích 4.000m2 ”, bà Nguyễn Thị Trọng - vợ ông Biết, nhớ lại.

Một năm sau khi trồng, cây Đương quy mang lại thành quả ngoài mong đợi. Mọi yếu tố như năng suất, sản lượng, chất lượng củ Đương quy được đánh giá cao và được các công ty dược liệu ở Hà Nội đặt hàng mua hết. Sau đó, ông Biết tiếp tục nghiên cứu trồng mở rộng thêm nhiều giống cây thuốc khác và tăng phần diện tích dược liệu của gia đình lên 1,5ha, rồi phát triển thành mô hình Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Biết Lộc Thành với phần diện tích liên kết với các hộ nông dân lên tới hơn 20ha, đánh dấu và khẳng định hướng đi nghiêm túc, đúng đắn trong việc phát triển dược liệu. 

Để phát triển HTX dược liệu một cách bền vững, ông Biết còn đi tới các địa phương khác để tổ chức sản xuất liên kết với mong muốn sau này sẽ đáp ứng được những đơn hàng lớn, chất lượng. HTX Dược liệu Biết Lộc Thành khi đó sẵn sàng tiếp nhận những hộ nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng liên kết phát triển phù hợp với sinh thái cây dược liệu Đương quy. Chỉ cần hộ gia đình đó có diện tích đất tối thiểu 1.000m², HTX chịu trách nhiệm tất cả các khâu từ cung cấp nguồn giống đến hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch… HTX Dược liệu Biết Lộc Thành thu mua củ Đương quy của các xã viên với một mức giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nếu trồng Đương quy theo tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật của HTX, sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ha với thu nhập trừ các chi phí, mỗi nông dân thu lãi hơn 700 triệu đồng/ha.

Gian nan tìm đầu ra

Niềm đam mê và khát vọng còn dang dở, ông Biết qua đời đột ngột vì tai nạn lao động. Tiếp quản HTX dược liệu từ người bố vừa mất, anh Lê Văn Chiến khăn gói đi học ngành dược để nối tiếp giấc mơ còn dang dở. Rồi những khó khăn liên tiếp kéo tới, sự phát triển “nóng” cây dược liệu trong vùng, trong khi nhu cầu thị trường chưa định hình rõ ràng khiến cho cây trồng ra khó tiêu thụ. Anh Lê Văn Chiến, Giám đốc HTX Dược liệu Biết Lộc Thành, cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với người trồng dược liệu không phải ở chỗ làm chủ được sản xuất mà do đầu ra yếu. 

Thị trường đang thiếu một cầu nối giữa người trồng và nơi sản xuất. “Bản thân chúng tôi nếu chỉ chuyên tâm trồng cây dược liệu thì sẽ không đáng ngại, nhưng hiện nay vừa phải trồng làm sao đúng tiêu chuẩn đã cam kết, vừa phải thực hiện sơ chế sau đó mang đi chào hàng khắp nơi. Để làm tất cả các khâu như thế, người nông dân và ngay cả HTX cũng sẽ rất vất vả. Chúng tôi cần Nhà nước làm cầu nối giữa nhà vườn và nhà máy”, anh Lê Văn Chiến chia sẻ.

Qua tìm hiểu, nhiều người nông dân trồng dược liệu tại Lâm Đồng cho rằng, hiện nay vẫn thiếu “sân chơi” cho người làm dược liệu để có thể chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu nói chung, nhất là đảm bảo được nguồn đón nhận mặt hàng mang tính chất đặc thù cao như cây dược liệu, từ đó có thể bảo tồn được những loài dược liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Mang suy tư của doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu đến với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, nói với chúng tôi: “Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây dược liệu của mô hình trên địa bàn, UBND huyện đã hỗ trợ 50% chi phí xây dựng một kho lạnh với giá trị khoảng 300 triệu đồng, công suất bảo quản 40 tấn nguyên liệu khô cho HTX Dược liệu Biết Lộc Thành. Trên thị trường, sản phẩm dược liệu của HTX Dược liệu Biết Lộc Thành cũng được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) lấy mẫu phân tích và kiểm nghiệm, kết quả đạt các tiêu chuẩn hàm lượng dược chất theo quy định”.

Theo định hướng của UBND tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, tỉnh sẽ phấn đấu trở thành trung tâm cây dược liệu, trung tâm sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo ở Việt Nam và thế giới. UBND tỉnh Lâm Đồng xác định sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ và ưu đãi về nguồn vốn, thuế, đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển thương hiệu. Hiện nay, tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, những vùng có khí hậu mát mẻ, độ cao từ 1.000m trở lên, nên trồng những cây di thực, hiện đang có nhu cầu trên thị trường và có giá trị kinh tế cao, không những trồng để lấy sản phẩm mà còn sản xuất giống như: Actisô, Bạch chỉ, Bạc hà, Bạch truật, Bảy lá một hoa, Cỏ ngọt, Dương cam cúc, Đảng sâm, Đương quy, Hà thủ ô đỏ, Huyền sâm, Ngưu tất, Hoài sơn, Lan gấm, Sâm ngọc linh, Sinh địa, Tam thất, Thông đỏ, Xuyên khung, Vân mộc hương.

 Tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc phù hợp với cây Đinh lăng, Đương quy, Bạch chỉ, Huyền sâm, Sinh địa, Chè dây, Sa nhân tím, Sả hương chanh, Hương nhu trắng, Diệp hạ châu, Ý dĩ. Tại 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng là Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên trồng các cây Bạc hà, Diệp hạ châu, Sả… Với sự phân bổ phù hợp trải khắp địa bàn, các cây thuốc thông thường nếu được trồng sẽ có thể dùng chuyển giao cho các bệnh viện, phòng chẩn trị y học cổ truyền, các trạm y tế xã, dùng để điều trị bệnh và cho các công ty để sản xuất thuốc.

Tin cùng chuyên mục