Trong một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng sau khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, có tin Trung Quốc đã đề xuất với Nhật Bản xây dựng một cơ chế mới nhằm ngăn chặn nguy cơ đụng độ máy bay quân sự. Tuy nhiên, ngày 29-11, báo Trung Quốc khẳng định Nhật Bản là mục tiêu chính của ADIZ mới thiết lập và kêu gọi “các biện pháp đối phó kịp thời và không do dự” nếu Tokyo thách thức.
Vừa xoa dịu, vừa khiêu khích
Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 29-11 dẫn một nguồn thạo tin cho biết đề xuất trên do cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đường Gia Triền đưa ra trong một cuộc gặp các nghị sĩ Nhật Bản tại Bắc Kinh hôm 27-11. Tuy nhiên, đề xuất này có vẻ trở nên lạc lõng khi Nhật Bản và một số nước, trong đó có Hàn Quốc và Mỹ, đang phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc thiết lập ADIZ. Các quốc gia trên đều tuyên bố không công nhận ADIZ mới của Trung Quốc và vẫn tiến hành các hoạt động tuần tra trong các khu vực tuyên bố chủ quyền.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố sẽ chỉ xem xét việc hủy bỏ vùng nhận dạng phòng không sau 44 năm nữa, nếu Tokyo làm điều đó với vùng phòng không của Nhật ngay bây giờ. Nhật Bản thiết lập vùng nhận dạng phòng không của nước này vào năm 1969, đến nay đã tồn tại 44 năm. Trung Quốc muốn Nhật hủy bỏ ADIZ của chính họ trước, rồi Trung Quốc sẽ cân nhắc đề nghị này trong vòng 44 năm nữa (theo AFP).
Hãng Yonhap ngày 29-11 đưa tin Hàn Quốc đang cân nhắc mở rộng vùng nhận dạng phòng không của nước này (KADIZ) trên biển Hoa Đông, sau khi Trung Quốc từ chối thay đổi vùng ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố mới đây theo hướng tránh xa KADIZ.
Nhật Bản là mục tiêu hàng đầu
Ngày 29-11, tờ Thời báo Hoàn cầu đã xác định Nhật Bản là “mục tiêu hàng đầu” trong vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi “đáp trả kịp thời mà không phải do dự” nếu Tokyo coi thường ADIZ. Báo trên cho rằng nên phớt lờ các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc, đưa máy bay quân sự đi vào ADIZ, đồng thời cảnh báo “nếu Mỹ không đi quá xa, chúng ta sẽ không đưa Washington vào tầm ngắm trong việc bảo vệ ADIZ của mình”.
Tờ báo bình luận thêm rằng có thể “bỏ qua” Australia vì hai nước Australia và Trung Quốc không có căng thẳng gì lớn. Ngoài ra, Bắc Kinh “không cần thay đổi hành động” với Seoul vì bản thân Hàn Quốc cũng tự có mối quan hệ không êm đẹp với Nhật Bản.
Trước đó, ngày 28-11, một số máy bay tiêm kích và một máy bay cảnh báo sớm của Không quân thuộc Quân giải phóng nhân dân (PLA) Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tuần tra trên không bình thường trong ADIZ mà Bắc Kinh vừa thiết lập. Đây là lần thứ hai không quân PLA tiến hành cuộc tuần tra trên không tại ADIZ.
Phản ứng trước những diễn biến này, ngày 29-11, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết nước này sẽ xử lý vấn đề ADIZ của Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết, bằng cách phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế. Cùng ngày, Hội đồng Nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền thông qua nghị quyết yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức thu hồi quyết định này và kêu gọi Nhật Bản tiến hành các biện pháp cần thiết để đạt được mục đích.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc bắt đầu thay đổi địa bàn hoạt động. Thay vì thường xuyên xuất hiện trong khu vực biển Hoa Đông và vùng biển xa Tây Thái Bình Dương, Liêu Ninh đang có hành trình tới biển Đông. Sáng 29-11, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã tiến hành diễn tập cập cảng lần đầu tiên tại quân cảng ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền Nam nước này. Đây là lần đầu tiên tàu Liêu Ninh thực hiện hải trình huấn luyện vượt biển kể từ khi được phiên chế cho lực lượng hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc năm 2012. Tàu Liêu Ninh được hộ tống bởi hai tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương và Thạch Gia Trang cùng hai khinh hạm trang bị tên lửa Yên Đài và Duy Phường. |
HẠNH CHI (tổng hợp)