Bác sĩ đầu tiên của người Raglai
Cách đây đúng 50 năm, Mẫu Thị Bích Phanh mới 12 tuổi nhưng đã theo Ama (bố), Aguây (mẹ) nuôi nấng và che chở nhiều cán bộ cách mạng giữa núi rừng Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Trong nhiều lần được tiếp xúc với các bác, các chú, Phanh được dạy đọc, viết tiếng Việt. Trong một lần viết cho bà một khổ thơ trong bài Việt Bắc, cán bộ bảo Phanh về đọc thuộc lòng và sẽ kiểm tra sau một ngày. Thật bất ngờ, khi cán bộ kiểm tra, bà không chỉ đọc vanh vách mà còn biết cả mặt chữ, hiểu được nghĩa của thơ. Vì thế, Phanh được giới thiệu và gửi ra miền Bắc học tập.
Bà kể, hồi đó nghe nói được đi học chữ là thích lắm. Cả vùng miền núi Nam Trung bộ và Tây Nguyên chỉ bà và một đồng bào ở Gia Lai khác được chọn đi học. Với lại, các chú bảo, chỉ học 3-4 tháng thôi, nhưng ai ngờ khi lên đường, đi suốt 10 tháng trời, toàn vượt suối, băng rừng mới đến nơi.
Ra Bắc, bà tự nguyện xin học ở Trường Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y Thái Nguyên). Vì bà nghĩ, nhận thức của đồng bào nơi mình sinh sống còn hạn chế, còn nhiều hủ tục, bà con không biết đến thuốc men nên nhiều cái chết oan xảy ra. Người có bệnh cứ chữa bệnh theo hủ tục, cúng Giàng. Chẳng những bệnh không khỏi mà còn nguy đến tính mạng. Vì thế, trong suốt thời gian học tập ở miền Bắc, bà quyết tâm học thật giỏi để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho dân làng, giúp dân xóa đi hủ tục.
Trở về quê hương sau gần 17 năm xa cách, bà được biết đến là bác sĩ đầu tiên của đồng bào Raglai sống trên mảnh đất Bác Ái. Thời điểm này, tuy huyện đã được giải phóng nhưng còn rất nhiều bộn bề gian khổ.
Những ngày mới về, đường đi ở đây phần lớn phải băng rừng, lội suối, có nơi đi bộ hết hơn nửa ngày đường mới đến các bản làng. Nhưng bà không quản gian khổ để đến với đồng bào trong bất cứ điều kiện nào. Trong những công việc chuyên môn mà một bác sĩ phải làm, những ca đỡ đẻ cho các sản phụ là gian nan nhất, nếu chậm trễ sẽ nguy kịch đến tính mạng của mẹ và con.
Vì thế, trong nhà bà luôn chuẩn bị sẵn một túi đựng tất cả dụng cụ y tế để khi có người gọi là lập tức đi ngay. Bà khám, chữa bệnh miễn phí; tiền thuốc ai có thì trả ngay, nếu không thì khi nào có trả cũng được, không trả cũng chẳng sao.
Sau nhiều năm công tác, từ bác sĩ điều trị, rồi Trưởng phòng Y tế, đến Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, hay sau này là Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, huyện Bác Ái, lúc nào bà cũng hết lòng chăm lo cho đồng bào của mình.
Dần dần, những hủ tục như tự sinh con, tự chữa bệnh bằng cúng Giàng của đồng bào được bỏ, bà có thêm động lực để yêu nghề. Năm 1982, khi là Phân viện trưởng Phân viện Bác Ái, vì nặng lòng với công việc khám chữa bệnh, cũng như muốn thuận tiện hơn cho công việc, bà đã đưa đứa con nhỏ của mình đến nơi làm việc. Một lần không may, con nhiễm bệnh hiểm nghèo từ bệnh nhân và mất. Cú sốc làm bà đau đớn không nguôi. Nhưng rồi, bà nén nỗi đau để tiếp tục với công việc mình đã chọn!
Góp công “khai sinh” chữ Raglai
Huyện miền núi anh hùng Bác Ái những ngày này oi bức hơn khi gần 8 tháng qua không có một hạt mưa. Những hồ thủy lợi đã cạn đáy. Có điều, lòng nhiệt huyết của những người con ưu tú nơi đây chẳng bao giờ cạn. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ gọn, xinh xắn ở cuối thôn Mã Hoa, xã Phước Đại, bà Phanh vẫn chưa một ngày ngừng nghỉ việc soạn giáo án, nghiên cứu con chữ của đồng bào mình.
Bà Phanh nhớ lại khi còn học tại miền Bắc, trong một lần được nhờ dịch bài viết từ tiếng Việt sang tiếng đồng bào Raglai để đọc trên đài phát thanh, từ đó bà ấp ủ dự định nghiên cứu và sáng lập chữ viết của đồng bào mình. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, chữ viết riêng. Người Raglai có ngôn ngữ, văn hóa đặc sắc nhưng chưa có chữ viết, chỉ bảo tồn bằng trí nhớ thì không thể đầy đủ.
Bà nghĩ, phải có chữ viết riêng cho dân tộc mình mới có thể bảo tồn văn hóa cho muôn đời. Cán bộ cũng vậy, muốn làm cán bộ tốt thì phải hiểu dân, biết lắng nghe dân, mà cầu nối của vấn đề là cán bộ phải biết chữ, hiểu văn hóa của người đồng bào. Nghĩ là làm, hàng chục năm qua, bà sưu tầm ký hiệu ngôn ngữ, lập quy ước mẫu tự và chuyển ngôn ngữ Raglai sang mẫu tự Latinh cho chữ viết Raglai.
Năm 2002, khi Đài PT-TH tỉnh Ninh Thuận làm chương trình phát thanh tiếng dân tộc Raglai, bà được mời về làm phát thanh viên cho chương trình, dù công việc của một phó chủ tịch UBND huyện mới thành lập rất bận rộn. Do tiếng Raglai chưa có một bộ quy chuẩn chính thức, bà phải biên dịch, phải đọc sao cho chuẩn xác để bà con hiểu. Việc không đơn giản. Thế nhưng, càng khó bà càng nghiên cứu, tự mày mò, học hỏi từ những nhà nghiên cứu ngôn ngữ.
Suốt gần 30 năm qua, bà nỗ lực bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết và văn hóa truyền thống của tổ tiên xưa. Ngoài một phát thanh viên, nhà nghiên cứu chữ viết, bà còn trực tiếp đứng lớp để dạy tiếng Raglai cho các cán bộ, công chức, chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang, giáo viên trên địa bàn tỉnh; lặn lội đến các buôn làng xa xôi để sưu tầm, nghiên cứu sử thi Raglai.
“Từ ngữ trong tiếng Việt dịch sang tiếng Raglai rất khó. Nhiều câu tiếng Việt tôi phải đọc hiểu câu đó rồi mới có thể dịch ý, từ ý dịch sang chữ Raglai”, bà Phanh giải thích.
Năm 2018, tỉnh Ninh Thuận đã cho xuất bản cuốn sách về tiếng Raglai đầu tiên. Giáo trình này là cơ sở hoàn chỉnh để dạy chữ Raglai cho cán bộ chủ chốt công tác tại những địa bàn có đồng bào Raglai sinh sống. Đây là công trình nghiên cứu tập thể, nhưng cá nhân bà Phanh đóng góp rất quan trọng với vai trò như một “cố vấn”.
Mới đây, tỉnh Ninh Thuận cũng đã có quyết định thành lập Hội đồng soạn thảo một giáo trình dạy chữ Raglai cho bậc tiểu học trong toàn tỉnh. Nhận tin này, bà Phanh rất vui. Và từ đó đến nay, bà lại tiếp tục nghiên cứu mới trong một giáo trình mới.
Khắc ghi lời Bác…
Trong câu chuyện của bà Phanh, tôi nghe bà kể rằng, nhiều người rất hay hỏi: “Động lực nào để một con người có tầm vóc nhỏ bé như bà lại có một nghị lực và trái tim với đồng bào mình như vậy?”. Bà chẳng biết trả lời sao, nhưng lại kể cho tôi về câu chuyện lần đầu tiên và duy nhất được gặp Bác Hồ tại miền Bắc.
Bà kể, có dịp bà theo đoàn học sinh đi tặng hoa đoàn lãnh đạo Trung Quốc sang thăm Việt Nam năm 1963. Lúc đó bà đang học lớp 3 ở miền Bắc. Mới xuống chân cầu thang máy bay, thấy bà trong bộ trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số đến tặng hoa, nhà lãnh đạo Trung Quốc hỏi Bác Hồ: “Cô bé này là người dân tộc nào?”.
Bác xoa lên đầu bà và nói: “Đây là con em đồng bào miền Nam, cha mẹ các cháu đang bận kháng chiến nên gửi các cháu ra Bắc học tập. Các cháu là một “hạt giống đỏ” sau này đem kiến thức về xây dựng quê hương”. Giới thiệu xong, Bác quay lại và dặn: “Các cháu nhớ học thật chăm, dân tộc ta còn nghèo khó lắm, đất nước rất cần những thế hệ như các cháu”.
Nay đã tròn 72 tuổi đời và 53 tuổi Đảng, nhưng bà chưa một ngày ngừng nghỉ với công việc còn dang dở. Bà nói, ở khu vực miền núi Nam Trung bộ - nơi có nhiều đồng bào Raglai sinh sống, hiện có một số người cùng nghiên cứu về chữ viết Raglai, nhưng tất cả chưa có một cuộc hội ngộ nên có thể chữ viết chưa được phổ biến một cách đồng nhất. Bà ước gì điều đó xảy ra!
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên, người Raglai chưa có chữ viết riêng nên họ tha thiết có chữ viết hoàn hảo để lưu truyền những giá trị văn hóa. “Công trình tiếng nói, chữ viết của bà Phanh là một công trình văn hóa đồ sộ hết sức cần thiết cho sự phát triển của người Raglai, giúp ích cho những người nghiên cứu sưu tầm về văn hóa Raglai cũng như đóng góp cho sự phát triển của vùng đồng bào”, ông Liên nói. Với những đóng góp của mình, năm 2019, bà Mẫu Thị Bích Phanh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. |