Hai hiệp định/công ước là Hiệp ước về Nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong việc thăm dò và sử dụng không gian bên ngoài, bao gồm cả Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967 (OST 1967), và Hiệp định về Giải cứu phi hành gia, Sự trở lại của phi hành gia và Sự trở lại của vật thể được phóng vào không gian bên ngoài năm 1968 (ARRA 1968).
Trước đó, vào ngày 24-7, tên lửa đẩy Long March 5B (Trường Chinh 5B) của Trung Quốc đã nổ tung sau khi đưa một module phòng thí nghiệm lên trạm vũ trụ mới của Trung Quốc đang được xây dựng trên quỹ đạo. Việc các mảnh vỡ của tên lửa đẩy Long March 5B rơi trong quá trình quay trở lại Trái đất đã gây ra nhiều quan ngại vì các hoạt động thực hiện ngoài không gian có thể ảnh hưởng đến an ninh của một quốc gia.
Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Malaysia Azlikamil Napiah đánh giá, sự trở lại không kiểm soát của Long March 5B được coi là không an toàn và nguy hiểm. Theo ông, đây không phải là lần đầu tiên tên lửa mất kiểm soát, nhưng đây là lần đầu tiên tên lửa Long March 5B đi qua không phận Malaysia và các mảnh vỡ của nó rơi xuống biển Sulu.
Việc Malaysia trở thành thành viên Ủy ban Liên hiệp quốc về sử dụng hòa bình ngoài không gian (UN Copuos) kể từ năm 1994 cho thấy sự gia nhập này phù hợp với lợi ích của Malaysia trong việc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ và bảo vệ an ninh của quốc gia, đồng thời thể hiện cam kết của nước này trong thực hiện các trách nhiệm ở lĩnh vực vũ trụ.
Trả lời phỏng vấn tờ New Straits Times, ông Azlikamil Napiah cho biết, Malaysia có các quy trình riêng mỗi khi phóng tên lửa vào không gian và hợp tác với các cơ quan quốc tế để giám sát các hoạt động không gian vì lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, không chỉ có an ninh quốc gia, sự kiện ký 2 hiệp định/công ước không gian quốc tế còn là một trong những nỗ lực dọn dường cho vị thế công nghiệp vũ trụ của Malaysia vì đất nước này từng tuyên bố muốn trở thành một trong những quốc gia hàng không vũ trụ vào năm 2030.