Bảo vệ người tiêu dùng - Có luật nhưng khó thực thi

Ngày 18-3, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Quyền được an toàn của người tiêu dùng, thực trạng và giải pháp” do Sở Công thương phối hợp Cục Quản lý cạnh tranh và Văn phòng Jica tổ chức. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam 15-3, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành.
Bảo vệ người tiêu dùng - Có luật nhưng khó thực thi

Ngày 18-3, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Quyền được an toàn của người tiêu dùng, thực trạng và giải pháp” do Sở Công thương phối hợp Cục Quản lý cạnh tranh và Văn phòng Jica tổ chức. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam 15-3, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành.

Gia tăng số vụ khiếu kiện

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong hai năm 2012-2013, số vụ việc khiếu nại của NTD gửi tới bộ trung bình khoảng 300 vụ/năm, nhưng đến giai đoạn 2014-2015 đã tăng lên hơn 1.500 vụ/năm. Tại sở công thương các tỉnh, thành và UBND cấp quận, huyện, số vụ khiếu nại gửi đến cũng tăng rất cao. Tuy nhiên, nếu so sánh với các vụ việc xâm hại quyền lợi NTD diễn ra trên thực tế thì số vụ việc khiếu nại của NTD gửi đến các cơ quan chức năng là quá nhỏ.

Để bảo vệ quyền lợi NTD, hệ thống siêu thị Co.opmart đã mời NTD tham gialấy mẫu, kiểm tra ngẫu nhiên các loại rau củ quả bày bán trong siêu thịẢnh: HẢI HÀ

Theo Thạc sĩ Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TPHCM, tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có ghi rõ quyền của NTD là được “đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”. Những điều cơ bản này cũng được ghi trong Hiến pháp nước ta. Nói một cách khác, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ phải có trách nhiệm góp phần đảm bảo an toàn cho NTD.

Tuy nhiên, trên thực tế, NTD hiện nay vẫn chưa thật sự cảm thấy an toàn. Sức khỏe, tính mạng, quyền lợi hợp pháp, tài sản, không gian sống… của NTD vẫn luôn bị xâm hại, bị lừa đảo bởi các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không giữ chữ tín, cố tình làm ăn gian dối. Điều dễ thấy nhất là an toàn trong thực phẩm là nguồn nuôi sống chúng ta hàng ngày lại đang là lĩnh vực bị lên án, ngờ vực nhiều nhất. Những vụ ngộ độc thức ăn vẫn xảy ra ngày càng nhiều.

Một cán bộ trong ngành quản lý thị trường cho biết, tại thời điểm này, NTD đang bị xâm phạm, bị “tấn công” từ nhiều góc độ như ăn gian trong đo lường, chất lượng, hàng giả, kinh doanh ảo - hàng kém chất lượng... Đây là những vấn đề hết sức nhức nhối nhưng đến nay vẫn chưa có những biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NTD.

Còn nhiều khó khăn

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa hiệu quả, nguyên nhân chính là do công tác kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm; chưa chủ động giải quyết những bức xúc của NTD, chỉ khi quyền lợi NTD bị xâm hại thì lúc đó cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc xử lý.

Thực tế bảo vệ quyền lợi NTD thời gian qua cho thấy, nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi NTD bị xâm hại là bởi nhân lực chuyên trách do ngành công thương quản lý không đủ đáp ứng yêu cầu. Ông Phan Thế Thắng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ NTD, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cho biết hiện chỉ có 8 cán bộ chuyên trách về công tác này. Tại các sở công thương cũng mới bố trí được một công chức. Ở cấp quận, huyện hầu như chưa bố trí được nhân lực.

Không chỉ vậy, mạng lưới hội viên các hội bảo vệ quyền lợi NTD còn quá mỏng, chưa phát triển được nhiều hội viên, cộng tác viên tuyên truyền. Ngay như TPHCM là một trung tâm kinh tế của cả nước, nhưng Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cũng không có văn phòng cố định vì hoạt động của hội vẫn dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Do văn phòng bị dời chuyển liên tục nên hoạt động của hội trong suốt năm 2015 gần như gián đoạn, NTD chủ yếu được tư vấn qua điện thoại. Ngày 1-3 vừa qua, Sở Công thương mới bố trí chỗ ở mới cho hội. Kinh phí dành cho hoạt động này không nhiều cũng là nguyên nhân khiến việc bảo vệ quyền lợi NTD gặp nhiều khó khăn.

Còn một vấn đề cơ bản khiến NTD ngại tham gia bảo vệ quyền lợi cho chính mình là quy định về việc miễn tạm ứng án phí khi khởi kiện chưa có hướng dẫn thực thi cụ thể nên thủ tục phức tạp, tốn thời gian, kinh phí. Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định khi khởi kiện, NTD không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án. Nhưng trong Điều 12 Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án liệt kê những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng thì không có trường hợp NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình… Những văn bản quy định trái chiều như trên đã đẩy NTD vào tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”. Vấn đề này đã được các hội và luật sư kiến nghị khá nhiều nhưng chưa tìm được tiếng nói chung.

Vì sao sau gần 5 năm triển khai thực hiện, hiệu quả từ Luật Bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn tỏ ra khiêm tốn, còn NTD cũng tỏ ra không mấy thiết tha khi quyền lợi của mình đã và đang bị xâm phạm trên diện rộng? Câu hỏi này cần được đặt lên bàn của các nhà làm luật và các cơ quan chức năng.


Việc thực thi luật chưa hiệu quả còn có một nguyên nhân khác là NTD rất ngại khiếu kiện do tâm lý ngại va chạm, có rất ít người dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Theo đó, công tác quảng bá, giới thiệu hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD và đưa ra những cảnh báo cho NTD còn ít. Hệ quả là NTD khi bị vi phạm lại không biết đòi quyền lợi của mình ở đâu…

Để việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải tạo tính minh bạch cho các quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD. Việc chế tài, xử phạt đối với hàng giả, hàng kém chất lượng chưa tạo được sự nghiêm minh. Nên bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục