Ngày 22-3 là Ngày Nước sạch thế giới. Hiện lưu vực 276 con sông trên thế giới đều đi qua vùng biên giới của hai hoặc nhiều nước. Những sông lớn như Amazon, Nile, Rhine hay Mê Công đều chảy qua 5 quốc gia trở lên. Một số quốc gia ở thượng nguồn các con sông đã biến nước trở thành vũ khí và công cụ chính trị để tạo áp lực, đe dọa lợi ích của các nước ở hạ nguồn, khiến tình hình khan hiếm nước ngày càng trở nên trầm trọng. Trong nửa thế kỷ trở lại đây, Liên hiệp quốc thống kê: đã có hơn 500 cuộc xung đột vì nguồn nước, trong đó 27 cuộc đã trở thành xung đột vũ trang. Những điểm “nóng” nhất trong tranh chấp nguồn nước là tại châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Cho đến nay, phương tiện được cho là hiệu quả nhất bảo đảm việc tuân thủ các quy định về bảo vệ nguồn nước chính là các hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia có chung nguồn nước sạch. Các hiệp định này góp phần thiết lập cơ chế thích hợp, tạo điều kiện trong hợp tác quản lý nguồn nước sạch chung, bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. Hiện nay, những lưu vực sông có những thỏa ước chính thức như vậy lên tới 100 nhưng đa phần là hiệp định song phương. Ở châu Á, Hiệp định Mê Công đã được Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam - những quốc gia ở hạ nguồn thông qua nhưng khu vực thượng nguồn như Trung Quốc, Myanmar vẫn chưa thông qua. Hai quốc gia này chỉ tham gia với tư cách là đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Do vậy, sự bùng nổ các đập thủy điện trên dòng Mê Công vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Còn tại châu Phi, tạm thời Hiệp định năm 1959, được ký kết giữa hai nước hạ nguồn như Sudan và Ai Cập đang lâm vào thế bế tắc do không có sự tham gia của các quốc gia khác nằm ở thượng nguồn. Tháng 5-1997, Công ước Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua. Đây là Công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu, việc thực hiện nghĩa vụ không gây hại đáng kể đối với các quốc gia liên quan theo các nguyên tắc và chuẩn mực chung của quốc tế. Các quy định của Công ước có tính áp dụng bắt buộc đối với các quốc gia là thành viên.
Dân số, rồi mức độ đô thị hóa gia tăng, biến đổi khí hậu nhanh chóng kéo theo căng thẳng về nguồn nước cũng tăng theo. Khả năng tiếp cận nguồn nước bị giảm đi sẽ dẫn đến những hậu quả gồm hoạt động sản xuất lương thực bị suy giảm, đời sống bất an, di cư ồ ạt, tình hình kinh tế và địa chính trị bất ổn định. Qua thời gian, những hệ quả đó sẽ có tác động sâu sắc đến an ninh toàn khu vực.
Vì vậy, nhiều nước đã bắt đầu đề ra chính sách và có những đầu tư hỗ trợ cho các cơ sở hạ tầng bảo tồn cũng như quản lý nguồn nước thông qua những khoản hỗ trợ tài chính, gồm cả những nguồn quỹ công cũng như tư và phối hợp giữa tất cả các bộ ngành liên quan. Việc lập nên những cơ cấu tránh xung đột và giải quyết vấn đề nước nội bộ cũng như xuyên quốc gia cũng cần thiết. Ngoài ra, cũng nên tính tới việc khuyến khích áp dụng các công nghệ cao về an ninh nguồn nước, như các phương pháp mới giúp ngọt hóa, các hệ thống thủy lợi chi phí thấp cũng như trồng những giống cây chịu hạn.
THANH HẰNG