Sự sao chép trong âm nhạc, cũng như trong nghệ thuật nói chung, được nhìn nhận theo hướng tích cực hoặc tiêu cực còn tùy thuộc ở quan niệm và mức độ của từng trường hợp cụ thể.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực ở Việt Nam từ năm 2006 trong lĩnh vực nhạc mới thì sự sao chép trong sáng tác có thể bị khép tội vi phạm quyền tác giả. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc khó đạt hiệu quả mong muốn khi chưa có sự tuyên truyền thông tin đầy đủ. Nội dung các điều khoản trong luật ra sao vẫn còn mơ hồ ngay cả với những người được hưởng quyền tác giả và các quyền liên quan.
Dân nghệ sĩ vốn ngại rắc rối phiền hà với các thủ tục hành chính, chắc chẳng mấy ai chịu mất công chủ động tìm hiểu cặn kẽ về Luật Bản quyền, về hệ thống cơ quan nhà nước có chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả. Khi phát hiện sự vi phạm, đa phần họ không biết kêu ai, đệ đơn đến đâu, chọn cơ quan cấp nào cho đúng thẩm quyền, thành ra cứ mặc kệ cho qua còn hơn dính vào vụ việc khó lường hết thiệt hại về tài chính và thời gian, chưa kể đến tổn thất về sức lực và tinh thần. Sự thiếu hiểu biết luật chẳng những dễ dẫn đến hiện tượng vi phạm luật, mà còn làm người trong cuộc tranh cãi lan man không phân thắng bại, công chúng dễ hoang mang chẳng biết đâu mà lần, còn người cầm cân nảy mực càng thêm rối và khó đưa ra phán xét cuối cùng thỏa mãn cho mọi đối tượng.
Có thể thấy Luật Bản quyền chưa thực sự đi vào nếp nghĩ của giới sáng tác, ngay đến đối tượng được bảo hộ cũng chẳng mấy trông chờ vào tính thiết thực của việc thi hành luật. Nhiều khi mong muốn phổ cập sáng tác còn mạnh hơn quyền lợi vật chất, đôi lúc quyền lợi vật chất lại có ý nghĩa hơn danh tiếng. Khi đặt mục đích quảng bá tác phẩm lên trên hết, chính các tác giả ít bận tâm đến thiếu sót trong thực hiện quyền tác giả.
Dù các đài truyền hình chưa trả nhuận bút thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả cho những tác phẩm được dùng trong chương trình ca nhạc của đài, dù các ca sĩ không phải ai cũng tự nguyện tự giác trích phần trăm thù lao cho nhạc sĩ sáng tác, mà quản lý việc chạy “sô” của họ là điều không thể, thế nhưng phần lớn các tác giả vẫn cứ hồ hởi, vui thích nếu biết tác phẩm được sử dụng. Vai trò của tác giả lời ca và nhạc sĩ phối khí bắt đầu được nhắc nhở, nhưng họ đã quá quen với sự thiệt thòi trong quyền lợi đồng tác giả.
Với nhà thơ hình như niềm vui thấy bài thơ của mình được phổ nhạc luôn lớn hơn nỗi buồn bị “xù” khoản nhuận bút cho lời ca. Còn nhạc sĩ phối khí nhận đủ thù lao cho phần hòa âm rồi thì chẳng thắc mắc gì về danh nghĩa đồng tác giả của mình. Nếu ý thức rõ quyền hưởng nhuận bút luôn gắn liền với quyền đứng tên ở vị trí đồng tác giả, tức là được công khai “thương hiệu” và hoàn toàn chấm dứt tình trạng nhập nhằng “áo gấm đi đêm” đối với bản phối khí hay, thì chắc chắn người phối khí phải cố giữ “tiếng” cho mình hơn và trách nhiệm lúc đó mới thực sự đi đôi với quyền lợi.
Tính chất phức tạp và đa diện của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và hơn thế nữa, sự hợp tác liên quốc gia. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, điều chỉnh, hoàn thiện và phổ cập văn bản pháp lý, nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành cho người làm luật trong lĩnh vực âm nhạc... quả thật có vô số điều cần làm ngay. Chẳng còn lựa chọn nào ngoài cách đối mặt đương đầu với mọi cái khó, nếu chúng ta muốn gìn giữ môi trường âm nhạc trong sạch.
Nguyễn Thị Minh Châu