Bảo vệ thanh danh ngành giáo dục

Hiện trạng bùng nổ các trường đại học, trung học tư tại Malaysia trong thời gian qua giúp sinh viên, học sinh có nhiều chọn lựa hơn trên con đường học vấn. Thế nhưng, đi cùng với sự gia tăng chóng mặt thì chất lượng của các trường tư lại đang là vấn đề gây đau đầu cho Bộ Giáo dục Malaysia.

Hiện trạng bùng nổ các trường đại học, trung học tư tại Malaysia trong thời gian qua giúp sinh viên, học sinh có nhiều chọn lựa hơn trên con đường học vấn. Thế nhưng, đi cùng với sự gia tăng chóng mặt thì chất lượng của các trường tư lại đang là vấn đề gây đau đầu cho Bộ Giáo dục Malaysia.

Chỉ riêng trong quý 1-2011, Bộ Giáo dục đã quyết định phạt 47 cơ sở giáo dục tư nhân sau những đợt kiểm tra định kỳ cũng như nhận nhiều chê trách từ phía phụ huynh. Năm ngoái, đã có 48 trường bị phạt so với năm 2009 chỉ có 9 trường. Các trường bị phạt chủ yếu vì sai phạm từ quảng cáo, mở các khóa học không được cấp phép và vi phạm các quy định đã đăng ký. Một số trường tư tại Malaysia còn bị lên án về chất lượng giảng dạy. Hành động này của chính phủ là một nỗ lực nhằm bảo vệ thanh danh của ngành giáo dục Malaysia.

Tính từ năm 1996, khi chính phủ ban hành luật cho phép mở rộng hệ thống giáo dục tư thục, đến nay Malaysia có 26 trường đại học dân lập được phép cấp bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ; 23 trường cao đẳng tư thục cấp bằng cử nhân. 5 trường đại học của các nước như Australia và Anh đã mở chi nhánh tại Malaysia và hiện có hơn 400 trường cao đẳng tư nhân cấp chứng chỉ. Tỷ lệ học sinh trung học học tiếp lên đại học tuổi từ 18 đến 23 đã tăng lên 44% trong năm 2010, so với 29% trong năm 2003. Tỷ lệ học sinh, sinh viên học tại các trường tư đã tăng đến 54% trong năm 2010. Đây là con số chiếm tỷ lệ cao trong khu vực châu Á. Để tạo điều kiện cho các gia đình muốn con em học tại các trường tư, chính phủ đã khuyến khích ngân hàng mở các khoản vay giáo dục có lãi suất rất ưu đãi.

Ban đầu, mục đích xã hội hóa giáo dục của Malaysia là nhằm giúp những người trẻ có cơ hội học cao hơn và tạo được nguồn nhân lực tốt hơn cho đất nước. Thế nhưng, qua thời gian, Chính phủ Malaysia đã nhận ra nhiều thách thức khi tỷ lệ giáo dục ở khu vực tư thục lại cao hơn so với trường công có mức học phí thấp hơn. Bên cạnh đó, mục tiêu thúc đẩy phát triển ngành đại học có lúc không cân bằng với chất lượng đào tạo. Ông Lee Hock Guan, thành viên của Viện Nghiên cứu Giáo dục Đông Nam Á tại Singapore nhận định, Bộ Giáo dục Malaysia đang gặp vấn đề về việc kiểm soát chất lượng giáo dục. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp phàn nàn về chất lượng của các lao động tốt nghiệp từ các trường tư. Điểm số và khả năng làm việc của các lao động này thường tỷ lệ nghịch với nhau.

Để giải quyết tình trạng trên, ngoài tiến hành xử phạt và tiến hành kiểm tra định kỳ, Bộ Giáo dục Malaysia quy định việc cấp phép mở trường đại học mới phải được quyết định dựa trên cơ sở như khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra, chương trình đào tạo có phù hợp với những khu vực ngành nghề mà đất nước cần hay không. Bộ Giáo dục Malaysia cho rằng điều này hết sức cần thiết bởi nước này đang trong tiến trình tiến tới một quốc gia phát triển, đòi hỏi phải có một lực lượng lao động có tri thức thật sự.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục