Tuần cao điểm tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội nón bảo hiểm cho trẻ em chính thức diễn ra bắt đầu từ ngày 6 đến 10-4-2015 trên toàn quốc. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho người đi xe gắn máy, xe đạp điện, mô tô, nhất là đối với trẻ em tại Việt Nam.
Trong tuần cao điểm này, lực lượng chức năng gồm: CSGT, thanh tra giao thông, công an phường, xã, dân phòng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở đối với trường hợp phụ huynh không đội nón bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi đi xe gắn máy, xe đạp điện, mô tô tại các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở và trên các tuyến đường giao thông. Tiếp đó, từ ngày 10-4 trở đi, lực lượng CSGT trên toàn quốc sẽ đồng loạt tiến hành xử phạt hành vi không đội nón bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, mô tô lưu thông trên đường đối với người điều khiển phương tiện. Đồng thời, việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định đội nón bảo hiểm cho trẻ em sẽ nằm trong kế hoạch tuần tra xử lý vi phạm thường xuyên của lực lượng CSGT.
Việc đội nón bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông sẽ góp giảm thiểu tối đa những tai họa cho trẻ em, nhất là khi có tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra. Mặc dù trong những năm vừa qua, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT nhưng thực tế vẫn rất đau lòng bởi hiện nay TNGT vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích cho trẻ em tại nước ta. Mỗi ngày, mỗi giờ trôi qua, hàng trăm, hàng ngàn trẻ em đang gặp nguy hiểm đến tính mạng khi được người lớn đèo trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện mà không được đội nón bảo hiểm. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia công bố cho thấy, năm 2014 đã có gần 9.000 người chết do TNGT, trong đó có tới 1.900 trẻ em. Đặc biệt, có tới 50% trong số này bị chấn thương sọ não do không đội nón bảo hiểm. Còn theo đánh giá của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới thì chấn thương do TNGT đứng thứ 8 và dự kiến đến năm 2030 chấn thương do TNGT sẽ tăng lên hạng 5. Riêng ở Việt Nam, trên 75% số vụ TNGT đường bộ dẫn đến tử vong có liên quan đến người đi mô tô, xe gắn máy. Qua các con số này có thể thấy TNGT đường bộ, cũng như những thương tích khó lường do TNGT gây ra đang là mối nguy hiểm rất lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Để nâng cao mức độ an toàn giao thông đường bộ, từ năm 2007, Việt Nam đã ban hành Luật Giao thông đường bộ quy định tất cả những người đi xe gắn máy, mô tô phải đội nón bảo hiểm, trong đó trẻ từ 6 tuổi trở lên khi đi trên xe máy, mô tô, xe đạp điện phải được đội nón bảo hiểm an toàn. Thế nhưng suốt nhiều năm qua, trong khi việc chấp hành quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy được thực hiện tương đối tốt với người lớn thì ngược lại, tỷ lệ này lại rất thấp đối với trẻ em. Thật đáng buồn khi hiện nay tỷ lệ đội nón bảo hiểm ở trẻ em khi tham gia giao thông trên cả nước chỉ khoảng 30%, thậm chí tại khu vực nông thôn con số này chỉ là vài phần trăm. Trong khi đó, tỷ lệ người lớn đội nón bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy tới gần 90%.
Con số thống kê trên quả thật đáng báo động cho thấy tình trạng thờ ơ của người lớn trước tính mạng của con em mình, cũng như cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Trẻ em là thế hệ tương lai của dân tộc, đất nước, là đối tượng luôn cần được ưu tiên chăm sóc và bảo vệ. Rõ ràng đã đến lúc người lớn phải biết ý thức, thay đổi suy nghĩ và hành động đúng đắn để ngăn chặn mối hiểm họa TNGT đối với trẻ em, cũng như bảo vệ sức khỏe, thân thể và mạng sống của trẻ em Việt Nam khi tham gia giao thông. Hơn nữa, đội nón bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông còn là hành động đẹp để các em hình thành thói quen tốt, tôn trọng pháp luật ngay từ khi còn nhỏ.
KHÁNH NGUYỄN