Kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2014. Tuy nhiên, theo các số liệu vừa công bố, thực tế đang diễn ra khiến cho dự báo có thể sẽ bị thay đổi.
Số liệu của cơ quan thống kê LB Nga - Rosstat, công bố ngày 17-2 cho biết sản xuất công nghiệp của nước này trong tháng 1-2014 một lần nữa lại sa sút, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm tới 18,8% so với tháng 12-2013. Cùng ngày, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào Pháp ngày càng giảm sút, Tổng thống Pháp François Hollande đã gấp rút tổ chức một cuộc họp “Hội đồng chiến lược về thu hút vốn đầu tư” để tiếp 34 tập đoàn đa quốc gia danh tiếng nhằm thuyết phục các nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào Pháp.
Theo thống kê của Cơ quan LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), đầu tư vào Pháp năm 2013 đã giảm xuống còn 77% tổng vốn đầu tư năm 2012. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng không thoát khỏi tình trạng tương tự. Theo số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng vừa công bố ngày 17-2, tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đạt 0,3% trong quý 4-2013, không đổi so với tốc độ tăng trưởng trong quý trước đó và chậm hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 1,2% và 1% từng đạt được lần lượt trong hai quý đầu tiên của năm 2013.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 3,7% trong năm 2014 sau khi đạt mức tăng trưởng 3% trong năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong gần 2 năm qua, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mặc dù khẳng định sự phục hồi vẫn “yếu và không đồng đều”. Giá dầu thế giới cũng liên tục tăng vọt trong những ngày qua. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 3 trên sàn New York tăng 62 cent, tức 0,6%, lên 100,92 USD/thùng khi dấu hiệu cải thiện của kinh tế Mỹ và số liệu cho vay mới kỷ lục của Trung Quốc thúc đẩy triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tổng mức tín dụng của nước này đạt mức kỷ lục 2,58 ngàn tỷ nhân dân tệ (425 tỷ USD) trong tháng 1, báo hiệu đà tăng trưởng vẫn được giữ vững. Trước đó vài ngày, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2014 sẽ tăng, đạt 90,98 triệu thùng mỗi ngày vì “sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ tiếp tục tốt hơn dự kiến”.
Theo giới quan sát, kinh tế Trung Quốc vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, trong đánh giá về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2014 vừa công bố tuần trước, Ban Kinh tế học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của nước này vẫn có thể đạt 7,5%, song đã hạ mức dự báo tăng trưởng đầu tư từ 20,1% xuống còn 19%, thấp hơn so với năm 2013. Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Lý Dương nhận định, hiện nay kinh tế Trung Quốc đối mặt với 5 nguy cơ: kinh tế giảm tốc, giá nhà biến động, công suất dư thừa, tài chính rối loạn (bao gồm tiền tệ lan tràn, vay khó, lãi suất cao), nợ địa phương tăng cao.
Toàn cảnh nền kinh tế thế giới đã ổn định hơn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, song ảnh hưởng từ những biến động chính trị hiện nay làm bức tranh chung khó đoán định.
HẠNH CHI