Luật Xây dựng 2003 chỉ quy định chung chung việc mua bảo hiểm công trình xây dựng như một hình thức tự nguyện là “chủ đầu tư, nhà thầu, nhà khảo sát, thiết kế, giám sát thi công có nghĩa vụ mua bảo hiểm công trình và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp” nên việc mua bảo hiểm công trình lâu nay vẫn chưa được chú trọng. Từ tháng 2-2016, các chủ đầu tư công trình xây dựng sẽ không còn né tránh việc này được vì Nghị định 199/2015 của Chính phủ vừa ban hành quy định rõ các chủ thể liên quan đến công trình xây dựng bắt buộc phải mua bảo hiểm khi thi công.
Phải mua bảo hiểm bắt buộc cho công nhân
Do quy định hiện hành chỉ mang tính khuyến khích nên các chủ thể, đặc biệt là chủ đầu tư, chưa chú trọng việc mua bảo hiểm cho công trình và cho người lao động hoặc thường mua bảo hiểm dưới giá trị nên khi sự cố công trình xảy ra gây tổn thất rất lớn cho chủ đầu tư và người lao động không được đền bù thiệt hại.
Các chủ đầu tư sẽ phải mua bảo hiểm bắt buộc khi thi công công trình (một dự án nhà ở tại quận 2). Ảnh: HUY ANH
Chính vì thế, NĐ 199/2015 quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, nêu rõ: trừ các công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây đựng của công trình xây dựng từ cấp 2 trở lên. Một điểm mới đáng lưu ý là NĐ 199/2015 cũng quy định nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.
Về quy định mới này, một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, với các quy định chi tiết về việc mua bảo hiểm bắt buộc, việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với công trình xây dựng và người lao động sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thực chất hơn chứ không chỉ là tự nguyện, hình thức như trước. Bởi lẽ, việc mua bảo hiểm công trình mang lại quyền lợi rất lớn cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và cả cho cả người lao động (công nhân thi công công trình) vì khi xảy ra rủi ro, các đơn vị bảo hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bồi thường tối thiểu 100 triệu đồng/người/vụ
NĐ 199/2015 quy định thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo đó, đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, DN bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của công trình xây dựng phát sinh từ mọi rủi ro, trừ các tổn thất quy định. Thời hạn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc tư vấn đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định của pháp luật. DN bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu tư vấn có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của bên thứ ba và các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật phát sinh từ việc thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng, trừ các tổn thất quy định.
Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định của pháp luật. Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể với người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động. DN bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
Bên cạnh đó, NĐ 199/2015 cũng đã quy định rõ một số trường hợp mà DN bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường, cụ thể là: các tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý; tổn thất không mang tính ngẫu nhiên; tổn thất không lượng hóa được bằng tiền; tổn thất mang tính thảm họa và tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Thực tế hiện nay, khi sự cố công trình xảy ra, do chủ đầu tư và nhà thầu thi công không mua bảo hiểm cho người lao động nên thông thường các nạn nhân và gia đình phải chịu thiệt thòi rất nhiều, ngay cả khi gặp tai nạn dẫn đến tử vong. Chính vì thế, Nghị định này đã quy định rõ số tiền bảo hiểm tối thiểu, đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng. Theo đó, số tiền bảo hiểm tối thiểu là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành nhưng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, bao gồm cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có). Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, số tiền bảo hiểm tối thiểu bằng giá trị hợp đồng tư vấn, thiết kế. Riêng đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường, số tiền bảo hiểm tối thiểu 100 triệu đồng/người/vụ. Mức bồi thường cụ thể trong trường hợp người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
MINH HUY