Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung

Bất cập, thiếu tầm nhìn

Bất cập, thiếu tầm nhìn

(SGGP).- Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (CK) sẽ khắc phục được những bất cập trong Luật CK hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập so với một số luật khác.

Xung đột với Luật Doanh nghiệp

Để thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức và để phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý đối với giao dịch CK của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, UBCKNN đã bổ sung điều kiện chào bán CK ra công chúng, trong đó quy định doanh nghiệp (DN) phải: “Có kế hoạch và cam kết đưa CP giao dịch tại thị trường giao dịch CK có tổ chức trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán CK ra công chúng”.

Các NĐT còn gặp nhiều bất trắc do sự bất cập của pháp luật về chứng khoán. Ảnh: LÃ ANH

Các NĐT còn gặp nhiều bất trắc do sự bất cập của pháp luật về chứng khoán. Ảnh: LÃ ANH

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, băn khoăn: Liệu quy định này có phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật DN là DN được quyền tự chủ quyết định các công việc kinh doanh? Bổ sung cho quan điểm này, CTCK Habubank (HBBS) cho rằng mặc dù không phủ nhận những lợi ích mà DN đạt được khi tham gia thị trường có tổ chức, nhưng không thể khẳng định mọi DN sẽ trở nên tốt hơn khi tham gia thị trường giao dịch có tổ chức. Việc một công ty đại chúng có tham gia thị trường tập trung hay không phụ thuộc vào nhu cầu phát triển nội tại của chính DN đó. Bởi vậy, không cần thiết phải bổ sung điều kiện này.

Cũng liên quan đến việc chồng chéo với Luật DN, đại diện HBBS cho rằng Luật CK không nên bổ sung hoạt động chào bán CK riêng lẻ vào phạm vi điều chỉnh. Bởi hoạt động chào bán riêng lẻ được thực hiện theo quy định của Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 01/2010/NĐ-CP).

Do đó, UBCKNN chỉ nên thực hiện việc quản lý đối với hoạt động chào bán CK ra công chúng, bởi hoạt động này liên quan đến số lượng lớn NĐT (thường là những NĐT không được xác định trước). Còn hoạt động chào bán riêng lẻ, tính rủi ro đối với NĐT thấp hơn so với chào bán ra công chúng, các NĐT cũng được xác định trước, họ có điều kiện tiếp cận DN chào bán, có khả năng tự đánh giá và cân nhắc hành vi đầu tư của mình. Bởi vậy, UBCKNN không cần thiết phải thực hiện công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động chào bán riêng lẻ.

Chưa bao quát hết thực tế

Theo dự thảo, CTCK chỉ được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính. CTCK Sài Gòn cho rằng do quy định về tư vấn và dịch vụ tài chính khác chưa được quy định rõ ràng (chưa giới hạn phạm vi hoạt động đối với các dịch vụ này và chưa quy định về thẩm quyền của cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý đối với hoạt động này) nên đã gây khó khăn trong việc thực hiện của công ty, cũng như khó khăn trong việc quản lý nhà nước.

Thời gian qua, một số CTCK đã triển khai các hoạt động không phải là các nghiệp vụ chính được ghi trong giấy phép và coi đó là hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính khác (như mở sàn giao dịch vàng, thực hiện môi giới giao dịch CK của tổ chức chưa niêm yết, triển khai hoạt động đầu tư chỉ số). Còn cơ quan quản lý thiếu căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp trên.

Theo bà Mai Thanh Trúc, Tổng giám đốc CTCK Việt Thành, cần bổ sung quy định cho phép CTCK được thực hiện nghiệp vụ cho vay tài chính để phục vụ NĐT kinh doanh CK và thu lợi nhuận từ nghiệp vụ này, tách biệt với ngân hàng.

Ngoài ra, dự thảo chưa bao quát hết những thực tế đang xảy ra như chưa quy định về việc giao dịch ký quỹ, trong khi đó Bộ Tài chính đã có dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động giao dịch mua CK ký quỹ. Đây là một vấn đề mới nhưng rất cần thiết trong TTCK, chính vì vậy luật nên quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó, dự thảo cần quy định việc cho giao dịch mua CK ký quỹ, đồng thời quy định cho phép NĐT bán khống CK sẽ làm cho thị trường cân đối và hội nhập với TTCK thế giới.

HẰNG THANH

Tin cùng chuyên mục