Bất cập trong quản lý xuất bản

Tại TPHCM vừa diễn ra cuộc họp giao ban công tác xuất bản, in phát hành TP năm 2012. Nhiều vấn đề được nêu ra, trong đó đáng chú ý là thời gian qua trong lĩnh vực xuất bản đã nảy sinh những sai phạm mới, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thẩm định, xử lý.
Bất cập trong quản lý xuất bản

Tại TPHCM vừa diễn ra cuộc họp giao ban công tác xuất bản, in phát hành TP năm 2012. Nhiều vấn đề được nêu ra, trong đó đáng chú ý là thời gian qua trong lĩnh vực xuất bản đã nảy sinh những sai phạm mới, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thẩm định, xử lý.

  • Sai phạm kiểu mới

Năm vừa qua, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM đã ghi nhận nhiều kiểu sai phạm mới trong lĩnh vực xuất bản. Tiêu biểu như vụ cuốn sách dạy toán cho thiếu nhi lại lấy ví dụ “cắt ngón tay để dạy toán trừ” gây bức xúc dư luận nhưng tác giả phủ nhận, nhà xuất bản (NXB) bác bỏ, đơn vị làm sách bảo “chờ làm rõ”… Kết quả là cuốn sách tiêu cực, gây hại cho người đọc có mặt ngoài thị trường nhưng lại không thể xử lý vì chẳng biết phải xử ai.

Rồi tình trạng “vênh” trong đánh giá ở các địa phương, tỉnh này bảo “sách xấu” phải thu hồi, nhưng tỉnh ngay bên cạnh lại khẳng định “sách tốt” bán tự do. Cùng hệ thống công ty phát hành mà nhà sách ở đây không được bán, trong khi nhà sách ở cách đó vài cây số thì bán thoải mái. Điển hình như trường hợp tranh cãi xung quanh cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông, kéo dài từ năm 2011, qua 2012 và đến tận 2013 vẫn chưa thấy có dấu hiệu sẽ có kết luận cuối cùng.

Ebook đã phát triển rộng ngoài thị trường nhưng vẫn đang chờ luật quản lý.

Ebook đã phát triển rộng ngoài thị trường nhưng vẫn đang chờ luật quản lý.

Bên cạnh đó, thực trạng xuất bản cũng ghi nhận việc liên kết xuất bản bộc lộ một năm đầy trúc trắc. Nhiều NXB hầu như không hoạt động nghiệp vụ thực tế, chỉ bán giấy phép cho tư nhân làm sách, dẫn đến tình trạng có các xuất bản phẩm bị NXB này đánh giá không phù hợp nhưng đưa qua NXB khác lại xin được giấy phép xuất bản. Đến khi sách ra thị trường mới phát hiện, bị thu hồi, xử phạt. Điều này dẫn đến tình trạng hệ thống xuất bản trở nên bất nhất, khó kiểm soát.

  • Chờ luật!

Nguyên nhân của những bất cập ấy phải chăng do những quy định hoặc luật xuất bản chưa cụ thể? Có thể lấy ví dụ như vụ sách điện tử (ebook), dù đã nhìn thấy sức phát triển của mảng sách này nên dự thảo luật xuất bản đã đưa vào hẳn một chương quy định, quản lý nhưng trên thực tế vẫn quá chậm. Doanh nghiệp rầm rộ xuất bản, kinh doanh ebook nhưng luật để quản lý ebook vẫn chưa có.

Hiện nay đã xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến ebook mà dự thảo chưa tính đến như việc xuất bản ebook ở nước ngoài có nội dung không phù hợp nhưng lại có thể dễ dàng phát hành không chính thức rộng rãi ở Việt Nam thông qua internet.

Cũng như thế, việc liên kết xuất bản dù có tính tích cực nhưng bên cạnh đó vẫn hiểu hiện mặt tiêu cực. Nhưng luật chấn chỉnh hoạt động liên kết xuất bản vẫn đang chờ chỉnh sửa. Chỉ tính riêng chi tiết là trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với NXB mà đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể. Vấn đề xuất bản phẩm với sự đánh giá của các địa phương thậm chí còn chưa có trong Luật Xuất bản.

Nguyên tắc cơ bản nhất của việc xây dựng luật pháp là “quản lý để phát triển”. Thế nhưng, khi mà luật đi sau quá xa so với tình hình phát triển thực tế đã dẫn đến việc các cơ quan chức năng thiếu công cụ pháp lý để duy trì sự ổn định. Trước tình thế đó, nhằm ứng phó với những biểu hiện tiêu cực đang diễn ra, đôi khi các cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp, dễ gây tâm lý tiêu cực.

Điều này lẽ ra đã có thể tránh được nếu như luật có tầm nhìn rộng hơn, xây dựng được hành lang pháp lý cụ thể hướng đến cả sự phát triển trong tương lai. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục