Bất chấp chuẩn mực

Tranh cãi lại bùng phát giữa Mỹ và các nước đồng minh thân cận từ châu Âu sang châu Mỹ khi Washington bị cáo buộc theo dõi bất hợp pháp e-mail và điện thoại của lãnh đạo Pháp và Mexico.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 21-10 tỏ ra hết sức bất bình khi có thông tin cho rằng các cuộc đàm thoại qua điện thoại của ông với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi. Cũng từ nguồn tin của cựu nhân viên NSA Edward Snowden, báo Pháp Le Monde đã vạch trần vụ bê bối này, theo đó NSA đã bí mật theo dõi 70,3 triệu thông tin liên lạc điện thoại ở Pháp kể từ tháng 12-2012 đến tháng 8-2013.

Tiết lộ này cũng làm hoen ố chuyến thăm Paris của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nơi ông đã thảo luận các biện pháp chấm dứt cuộc chiến tại Syria. Tổng thống Pháp Hollande nói với ông Obama rằng các hoạt động theo dõi như vậy là “không thể chấp nhận giữa những người bạn và đồng minh vì họ vi phạm sự riêng tư của công dân Pháp”.

Tuần báo Der Spiegel của Đức còn cho biết NSA cũng đã đột nhập vào tài khoản e-mail của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon. Sự việc xảy ra vào tháng 6-2012, một tháng trước khi Mexico bầu ông Pena Nieto làm tổng thống. Trong e-mail này, với vai trò ứng viên tái tranh cử tổng thống, ông Calderon nói về kế hoạch chọn người tham gia nội các nếu ông được bầu lại. Calderon đã xuất hiện trên Twitter mô tả những tiết lộ này như một sự “sỉ nhục” với Mexico khi ông còn là tổng thống.

Chính phủ Mexico cho biết họ yêu cầu các quan chức Mỹ làm rõ vụ việc càng sớm càng tốt. Bộ Ngoại giao Mexico cho biết đây là việc làm “không thể chấp nhận, bất hợp pháp và trái với pháp luật Mexico và luật pháp quốc tế”.

Dù bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa, chuyện “dòm ngó nhà người khác” của NSA là không thể biện minh. Có thể nói, hoạt động gián điệp là điều không mới, đặc biệt là với một đất nước có “truyền thống” như Mỹ. Thế nhưng, việc theo dõi ngay cả các chính khách ở các nước đồng minh thân cận là điều không ai ngờ tới. Nếu nói hoạt động này nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố thì càng “khó nghe”.

Ở khía cạnh khác, trong thời đại cạnh tranh kinh tế và bùng nổ thông tin hiện nay, ai làm chủ thông tin sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội tốt trong làm ăn. Vụ việc NSA theo dõi e-mail của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã chứng minh điều đó.

Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, Washington muốn biết sớm nhất thông tin về các phiên đấu thầu khai thác dầu khí tại Brazil để giành ưu thế. Sau khi vụ việc đổ bể, kết quả phiên đấu thầu ngày 20-10 cho thấy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobas chiếm hơn 40% quyền khai thác dầu khí tại mỏ dầu mới Libra (phát hiện năm 2010 với trữ lượng từ 8 đến 11 tỷ thùng), Total và Shell chiếm 20%, hai tập đoàn dầu khí Trung Quốc là CNOOC và CNPC chiếm 10%. Các công ty Mỹ không tham dự đấu thầu vì cho rằng Brazil dành nhiều ưu ái cho Petrobas với chiến lược Nhà nước Brazil chủ động kiểm soát nguồn dầu.

Từ các vụ theo dõi thông tin trái phép của NSA khắp nơi trên thế giới nhiều chuyên gia tỏ ra quan ngại về việc các máy chủ điều hành mạng lưới Internet toàn cầu đang tập trung quá nhiều ở Mỹ. Đây là một trong những điều kiện dễ dàng để NSA thực hiện các phi vụ của họ.

Mặt khác, hệ thống vệ tinh viễn thông của Mỹ cũng đang ở thế áp đảo về quy mô trên toàn cầu thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS. Làm chủ công nghệ thông tin toàn cầu nhưng không tuân thủ các chuẩn mực ngoại giao và luật pháp quốc tế sớm muộn gì cũng sẽ bị dư luận tiến bộ lên án.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục