Người bệnh đến bệnh viện như bị hành xác, chầu chực, chờ đợi vất vả hàng giờ mới được khám bệnh. Nhiều bệnh viện dù đã mở rộng, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thậm chí giá nhiều dịch vụ cũng đã được điều chỉnh tăng gấp nhiều lần nhưng chất lượng dịch vụ y tế vẫn thấp, quá tải bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố chưa được cải thiện...
Đáng buồn hơn, chất lượng khám chữa bệnh trong hệ thống khám chữa bệnh công lập lại tồn tại quá lâu nay cho dù ngành y tế cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết nhưng kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn, khiến người dân bức xúc và khổ sở mỗi khi đi khám chữa bệnh. Thậm chí, ngay bản thân Bộ trưởng Bộ Y tế trong nhiều lần “vi hành” phải chứng kiến những cảnh tượng đầy xót xa khi có những cụ già 70 - 80 tuổi xếp hàng từ sáng sớm, chầu chực hàng giờ tới tận trưa mới được bác sĩ khám bệnh có vài phút.
Thống kê mới đây của Cục Quản lý khám chữa bệnh, cả nước hiện có khoảng 1.100 bệnh viện từ trung ương đến tuyến huyện, với khoảng 186.000 giường bệnh. Vừa qua khi giá viện phí được điều chỉnh, Bộ Y tế đã có Chỉ thị số 05 yêu cầu các bệnh viện tăng cường chất lượng dịch vụ y tế. Sau khoảng 3 tháng thực hiện chỉ thị này, cả nước đã có thêm được 1.050 giường bệnh mới.
Cùng với đó, khá nhiều bệnh viện đã đầu tư kinh phí mở rộng cơ sở vật chất khu khám bệnh, mua thêm máy móc xét nghiệm, ghế chờ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh vẫn thừa nhận, dù nhiều bệnh viện đã cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ y tế nhưng thực tế tình trạng quá tải vẫn diễn ra và chưa đánh giá được việc giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
Nhiều chuyên gia y tế cho biết, có 3 yếu tố then chốt quyết định đến việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là tài chính y tế, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế và con người, trong đó yếu tố con người quan trọng nhất. Do đó, trước thực trạng đáng lo ngại về chất lượng dịch vụ y tế công lập ở nước ta, ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thẳng thắn cho rằng: Đối với Việt Nam để nâng cao được chất lượng dịch vụ y tế, ngành y tế phải có sự thay đổi trong tư duy quản lý, cũng như văn hóa trong bệnh viện và phải có “thước đo” quy chuẩn về chất lượng khám chữa bệnh cụ thể, trong đó người bệnh phải là trọng tâm. Hơn nữa, cũng chỉ có thể thay đổi và nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh khi toàn ngành y tế cũng như từng cán bộ y tế phải có cam kết thay đổi thái độ ứng xử tốt, chu đáo, tận tình hơn với người bệnh.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ Y tế sẽ triển khai các biện pháp tổng thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó tập trung vào các đề án: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến trên, tiếp tục thực hiện đề án giảm tải bệnh viện, xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình ở các thành phố lớn và xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh. Trước mắt, trong năm 2013, các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh thành phải tập trung thay đổi diện mạo bắt đầu từ khu vực đón tiếp người bệnh cho tới khoa khám bệnh, bằng việc đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất, cải tiến thủ tục hành chính, xử lý nghiêm các y, bác sĩ nhũng nhiễu, nhận phong bì của người bệnh, kiên quyết không bố trí những người có tinh thần thái độ y đức không tốt tại khoa khám bệnh.
Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng sẽ áp dụng bộ tiêu chí mới để đánh giá chất lượng bệnh viện gồm 35 chỉ số và đều lấy người bệnh là trung tâm để mang đến sự hài lòng và chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho người dân.
KHÁNH NGUYỄN