Bát nháo “ăn theo” lễ hội

Quá tải lễ khai ấn đền Trần

Quá tải lễ khai ấn đền Trần

Theo thông lệ, vào nửa đêm 14 đến rạng sáng 15 tháng Giêng Âm lịch, lễ khai ấn đền Trần lại được tổ chức long trọng, cung nghiêm. Năm nay, do lễ khai ấn diễn ra vào cuối tuần, nên từ sáng sớm 27-2 (tức ngày 14 tháng Giêng Canh Dần), hàng chục ngàn người đã đổ về khu đền Trần nằm ở ngoại ô TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Từ chiều 27-2, toàn bộ các tuyến quốc lộ từ Hà Nam xuống, từ Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng sang đã bắt đầu xảy ra ùn tắc cục bộ.

Nhằm khắc phục nạn bán ấn giả như nhiều năm trước, năm nay ban tổ chức chỉ cho phát hành một loại ấn làm bằng vải (có in dấu triện của “nhà đền”), không phát hành ấn in bằng giấy… Tuy nhiên, từ chiều 27-2, các dịch vụ ăn uống, giữ xe, nhà nghỉ, phòng trọ ở xung quanh khu vực đền Trần và trong TP Nam Định đã bắt đầu tăng giá vô tội vạ. Hầu như các nhà nghỉ, khách sạn đều tăng giá phòng gấp 2-3 lần bình thường, thậm chí có phòng khách sạn vọt lên 1 triệu đồng.

Cũng do nhu cầu quá lớn, nên 1-2 năm gần đây nhà đền chỉ ưu tiên cho những tổ chức, cá nhân nào đăng ký ấn “mua” ấn từ trước đó cả tuần, thậm chí vài tháng với giá mỗi ấn là 50.000 đồng (được gọi là chi phí để dâng lễ). Được biết, đến chiều 27-2, số cá nhân, tập thể, cơ quan có danh sách cụ thể xin mua ấn của nhà đền đã lên đến 6.000. Còn lại, nhà đền chỉ dành khoảng 3.000 ấn để phục vụ du khách có nhu cầu ngay tại chỗ và lễ cướp ấn.

Hội Lim - Du khách chạnh lòng

Ngày 26-2, tức 13 tháng Giêng Canh Dần, vào chính hội Lim (Bắc Ninh), người khắp mọi nẻo đường đến đồi Lim khiến cho khu vực này trở nên quá tải. Trong nắng nóng và bụi, người ken đặc ở những điểm kiểm soát xe vào khu vực hội, người ngồi la liệt trên đồi Lim, người chen chúc nhau vào chùa Hồng Ân trên núi và vây quanh các trại quan họ.

Đồ ăn thức uống đủ các thứ bày bán tràn lan, rất nhiều thứ để sát mặt đất, không được che đậy, gần với bụi bặm và rác rưởi. Người dân chen nhau mua quà và ngồi kín các vỉa hè để ăn uống. Các hàng rượu nhắm mực nướng, cá chỉ vàng… còn tràn cả lên đồi Lim, tràn vào khuôn viên đình Lim, càng thêm lộn xộn.

Mặc dù đã ký cam kết từ trước song âm thanh từ các quầy hàng và dịch vụ vui chơi giải trí vẫn ầm ĩ. Người đến xem hội sau khi vượt qua hàng loạt hàng quán cũng chẳng được thưởng thức chất mộc mạc, mượt mà của người quan họ vì tiếng loa huyên náo. Người ăn xin nằm, ngồi nhếch nhác mặc dù ban tổ chức đã lên kế hoạch đưa những người này lên xe, cho tiền và đưa ra khỏi khu vực lễ hội.

Thực tế tại hội Lim cho thấy việc điều hành của ban tổ chức rất kém và các hiện tượng làm buồn lòng du khách vẫn diễn ra, lặp lại nhưng không được cải thiện. Sự thiếu chặt chẽ của ban tổ chức cộng với sự xô bồ của những người bán hàng quán, thái độ thiếu văn hóa cộng đồng của một bộ phận du khách dự hội, đã làm mất đi ý nghĩa một lễ hội mang màu sắc dân gian.

Ph.Văn - X.Sơn

Tin cùng chuyên mục