Bát nháo cơ sở thẩm mỹ không phép

Liên tiếp thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra nhiều vụ tai biến, thậm chí có trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở thẩm mỹ trái phép. Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, việc quản lý đang gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa có quy định cụ thể về biển hiệu, dễ gây hiểu nhầm; trong khi đó, hình phạt chưa đủ sức răn đe.
Một trường hợp bị biến chứng do tiêm filler nâng ngực ở cơ sở không phép
Một trường hợp bị biến chứng do tiêm filler nâng ngực ở cơ sở không phép

Xử phạt không xuể

Ngày 28-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa tiếp nhận thông tin một trường hợp tử vong do tiêm filler trên địa bàn thành phố. Bệnh nhân là chị T.T.L. (27 tuổi, ngụ Cà Mau) đến TPHCM và ở một khách sạn tại quận 10. Sáng 27-6, chị L. được một người đến khách sạn tiêm filler nâng ngực. Sau tiêm, chị L. bị biến chứng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh trong tình trạng tím tái, đồng tử giãn và sau đó tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do ngộ độc thuốc tê. Hiện Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã vào cuộc, niêm phong bệnh án, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân T.T.L.P. (50 tuổi) bị tai biến do phẫu thuật cắt mí mắt tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tại quận 10.

Trong năm 2022, Sở Y tế đã kiểm tra 138 cơ sở và ra 144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 7,5 tỷ đồng; tước giấy phép hoạt động có thời hạn đối với 12 cơ sở. Trong 5 tháng đầu năm, sở đã kiểm tra 67 cơ sở, ra 77 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 4,5 tỷ đồng, tước giấy phép hoạt động có thời hạn đối với 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với 5 cá nhân; đình chỉ hoạt động 33 cơ sở, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo nội dung quảng cáo đối với 17 cơ sở.

Tuy nhiên, một cán bộ thanh tra Sở Y tế TPHCM thừa nhận, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ hiện nay đang gặp khó, nguyên nhân do: các đối tượng thực hiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ lén lút tại các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon), các khách sạn và các cơ sở lưu trú (căn hộ, chung cư…). Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh không phép, hoạt động lén lút và có tính chất đối phó với cơ quan quản lý nhà nước như thay đổi biển hiệu, giải thể cơ sở cũ thành lập cơ sở mới, đổi tên chủ sở hữu cơ sở…

Đủ kiểu vi phạm

Theo Sở Y tế TPHCM, các hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết, nhiều cơ sở còn quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang trong thời hạn bị đình chỉ hoạt động.

“Hiện Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế, Bộ TT-TT và các bộ, ngành có liên quan có quy định chặt chẽ và kiểm soát quảng cáo trên mạng xã hội vì đây là kênh mà các cơ sở không phép, núp bóng, làm chui, trục lợi người bệnh thường sử dụng để dễ dàng tiếp cận người dân, cùng với đó là tăng nặng các mức xử phạt đủ sức răn đe các hành vi cố tình vi phạm pháp luật”, bác sĩ Hồ Văn Hân cho biết.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính đến tháng 6-2023, trên địa bàn TPHCM có 22 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 15 bệnh viện đa khoa có khoa, đơn vị thẩm mỹ (chưa tính các bệnh viện công lập có khoa/đơn vị thẩm mỹ), 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 254 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da gửi văn bản thông báo đủ điều kiện và được công bố trên cổng thông tin Sở Y tế. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng thuộc nhóm 1 do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép hoạt động.

Tin cùng chuyên mục