Trong những năm qua, bên cạnh loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, hệ thống xe taxi đã góp phần không nhỏ trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TPHCM. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, với sự bùng nổ số lượng taxi do các cơ quan chức năng thiếu kiểm soát đã gây ra những ảnh hưởng cho trật tự an toàn giao thông, cũng như quyền lợi đi lại của hành khách.
Bán “thương hiệu”
Qua quá trình thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn TPHCM do đoàn thanh tra Bộ GTVT thực hiện mới đây cho thấy, hoạt động taxi trên địa bàn TPHCM lộ rõ nhiều vấn đề bất cập cần phải chấn chỉnh. Đó là các hãng kinh doanh hoạt động taxi, nhất là các đơn vị hợp tác xã quản lý phương tiện, lái xe yếu; thiếu hệ thống bến bãi đậu xe; logo, màu sơn sai với đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá…
Cụ thể, sau 20 ngày tiến hành thanh tra, đoàn đã ra quyết định đình chỉ hoạt động và tước giấy phép kinh doanh không thời hạn trên địa bàn TPHCM đối với 2 hãng taxi là HTX Du lịch Vận tải dịch vụ lữ hành số 2 và HTX Vận tải Du lịch Minh Đức; 3 hãng bị đình chỉ vùng hoạt động ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là Công ty TNHH Taxi Sài Gòn Petrolimex, Festival Taxi và Happy Taxi.
Bên cạnh đó, một vấn đề làm nhiều người quan tâm hiện nay là tình trạng các doanh nghiệp sau khi đăng ký hoạt động kinh doanh taxi đã tự ý bán thương hiệu cho hãng xe khác hoạt động, cũng như đăng ký số phù hiệu xe hoạt động vượt số phương tiện xe taxi doanh nghiệp có trên thực tế. Đây là điều kiện để các hãng taxi dễ dàng “móc túi” hành khách do nhầm tưởng thương hiệu taxi trong quá trình sử dụng để đi lại mà như thời gian qua hành khách luôn than phiền.
Đơn cử như hãng Happy Taxi, trong giấy tờ đăng ký kinh doanh với Sở GTVT TPHCM xin cấp 276 phù hiệu, nhưng khi kiểm tra hãng này chỉ dùng 108 xe có gắn phù hiệu hoạt động trên địa bàn TPHCM, số còn lại bán thương hiệu cho các xe hoạt động ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Cần Thơ… Hãng Sài Gòn Tour Taxi sau khi đăng ký hoạt động kinh doanh taxi đã bán thương hiệu cho hãng xe An Thiện Nhân 75 phù hiệu taxi.
Ngoài ra, đối với Hợp tác xã Vận tải Du lịch Minh Đức, báo cáo trên giấy tờ thì đơn vị này có 55 xe, nhưng đơn vị đăng ký tới 170 phù hiệu để sử dụng. Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, sở dĩ xuất hiện tình trạng bán phù hiệu là do thời gian qua vấn đề thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa đến nơi đến chốn, lỏng lẻo trong cấp phù hiệu hoạt động taxi.
Số lượng tăng chóng mặt
Theo quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Chính phủ phê duyệt vào năm 2007, TP định hướng phát triển số lượng taxi trên địa bàn dừng lại ở con số 9.500 xe (của giai đoạn 2010 - 2015) và 12.700 xe vào năm 2020. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của Sở GTVT TPHCM, tính đến đầu tháng 12-2011, tổng số xe taxi hoạt động trên địa bàn TP là 12.654 xe, vượt 33,2% so với quy hoạch của giai đoạn 2010 - 2015.
Trước sự gia tăng chóng mặt của số lượng taxi, từ giữa năm 2010, Sở GTVT có quyết định tạm dừng cấp phù hiệu hoạt động taxi cho đầu xe đăng ký mới (chỉ cho phép các đơn vị kinh doanh taxi thay thế một xe cũ bằng một xe mới). Đây được xem là một giải pháp mang tính kịp thời trong việc kiểm soát số lượng xe taxi trên địa bàn TPHCM.
Tuy nhiên, do “quên” kiểm soát số lượng taxi trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc gây ùn tắc giao thông cũng như việc thiếu các bãi đậu xe khiến taxi luôn túc trực đậu xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Ngoài ra, việc thiếu kiểm soát hệ thống taxi là điều kiện cho taxi “nhái” lộng hành khiến quyền lợi của hành khách đi xe bị xâm phạm.
Đề cập đến vấn đề số lượng taxi tăng nhanh ở TPHCM thời gian qua, ông Tạ Long Hỷ cho rằng, nếu so sánh với tiêu chí phát triển xe taxi chung của thế giới bình quân 1.000 người dân/xe taxi thì số lượng phương tiện taxi đăng ký hoạt động hiện nay trên địa bàn TPHCM là đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân TPHCM.
Bởi lẽ, ngoài số dân hiện có của TP, hàng năm lượng khách du lịch từ các tỉnh lân cận và nước ngoài vào TP là rất đông nên nhu cầu sử dụng phương tiện taxi để đi lại rất lớn.
Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng số lượng xe taxi “ảo” ở các tỉnh, TP khác đưa về hoạt động ở TPHCM, cũng như taxi “dù”, taxi “nhái” là rất nhiều nên gây mất trật tự an toàn giao thông và làm ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị kinh doanh taxi chân chính.
Để hoạt động kinh doanh vận tải taxi đi vào nề nếp, các cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê số xe thật, xe “dù” để có quy hoạch phát triển hệ thống taxi phù hợp.
Đình Lý