Không chỉ mạng lưới kinh doanh đa cấp, bán hàng qua mạng mà hiện nay, hầu hết nhà thuốc, siêu thị, thậm chí là cửa hàng tạp hóa cũng kinh doanh thực phẩm chức năng với rất nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn, trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thực phẩm chức năng, việc quản lý, kiểm soát chất lượng lại rất lỏng lẻo, yếu kém, khiến trên thị trường tràn lan sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo...
Nhập nhằng nguồn gốc, chất lượng tù mù
Hơn 100 thùng thực phẩm chức năng với các nhãn mác sản phẩm khác nhau như: Glucosamin, Arginin, GinkgoBiloba, Vitamin E… xuất xứ từ Mỹ nhưng lại được sản xuất ở Hải Dương, vừa bị cơ quan an ninh kinh tế phối hợp lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện tại văn phòng Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam (45 đường Nguyên Hồng, Hà Nội).
Trước đó, công an kinh tế Hà Nội cũng phát hiện tại kho hàng của Công ty CP thiết bị y tế Hoàng Gia có 3.783 lọ thực phẩm chức năng dạng viên nang và 27,5kg vỏ hộp, tem nhãn hàng hóa với các sản phẩm như: Shark Cartilage Complex Blend-Allnature, Liquid Calcium plus Vitamin D3-Allnature và Super Omega3… Tất cả đều xuất xứ Trung Quốc nhưng lại được công ty nhập về, sau dán nhãn thể hiện sản phẩm được sản xuất tại... Mỹ.
Trên đây chỉ là hai trong số hàng loạt vụ vi phạm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm chức năng bị phát hiện trong thời gian gần đây. Trên thực tế, thị trường nước ta hiện có rất nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng, thậm chí là nguy hại cho sức khỏe được bày bán tràn lan. Nếu trước đây, thực phẩm chức năng chủ yếu được nhập khẩu, phân phối và kinh doanh qua một số công ty kinh doanh đa cấp, hay bán hàng qua mạng thì hiện tại hầu hết nhà thuốc, siêu thị đều có kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng.
Thậm chí, qua tìm hiểu của chúng tôi ở nơi chuyên kinh doanh đông dược như phố Lãn Ông (Hà Nội) cũng đầy rẫy các loại thực phẩm chức năng với nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Tại một cửa hàng ở phố Lãn Ông, khi chúng tôi hỏi mua thuốc bồi bổ sức khỏe cho người già, ngay lập tức, chủ hàng đưa ra 7-8 hộp thực phẩm chức năng ngoại nhập, rồi nói: “Khỏi phải cắt thuốc, mất thời gian. Bây giờ, đầy loại thực phẩm chức năng làm từ đông dược tốt hơn thuốc sắc nhiều”.
Cầm một loại thuốc được giới thiệu là “Đại bổ sâm nhung hoàn” tốt cho người già yếu, người bị suy nhược cơ thể và có tác dụng ngăn ngừa bệnh mãn tính… nhưng tất cả vỏ hộp, nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, số đăng ký đều nhằng nhịt chữ Trung Quốc, thậm chí ngày sản xuất và hạn sử dụng cũng không có.
Tại một số cửa hàng khác, chúng tôi cũng nhận được những lời giới thiệu, mời chào mua thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ “Đông trùng hạ thảo”, “Hồng sâm”, “Linh chi”… nhưng hầu hết không có đăng ký chất lượng và chưa được cơ quan chức năng ở Việt Nam cho phép lưu hành. Trong khi đó, có nhiều loại sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan quản lý chứng nhận và cấp phép nhưng lại quảng cáo “nổ tung trời” như là thần dược chữa bách bệnh, khiến người tiêu dùng không biết thực hư thế nào?
Quản lý lỏng lẻo
* Năm 2010, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam định giá trị gần 160 triệu USD và là một trong 3 thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Trước tình trạng trên, một chuyên gia của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thẳng thắn thừa nhận, việc quản lý thực phẩm chức năng còn bất cập vì thị trường này rất đa dạng, phong phú, với nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu mặt hàng này.
Nhưng vi phạm chủ yếu đối với việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng thường là không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chưa được cơ quan y tế cho phép lưu hành nhưng doanh nghiệp đã tiến hành kinh doanh, sản xuất và quảng cáo quá mức, bừa bãi, không đúng như tác dụng thực của sản phẩm gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Về phía Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, thực phẩm chức năng chỉ bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 2000, với 33 loại sản phẩm nhập khẩu. Lúc đó, với nhiều người, thực phẩm chức năng được xem như là một loại “thần dược” quý hiếm và rất xa xỉ. Thế nhưng, chỉ sau hơn 10 năm, đến nay thị trường thực phẩm chức năng ở nước ta đã có sự phát triển “bùng nổ” với hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Hiện nay, cả nước có đến 1.600 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng, với gần 4.000 sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ khác. Bên cạnh đó là hàng trăm loại được nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặc dù thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ nhưng việc quản lý chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này lại rất lỏng lẻo và yếu kém. Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, đến nay Bộ Y tế và các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa đặt ra quy định yêu cầu về GMP (thực hành sản xuất tốt) đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng trong nước nên chất lượng của mặt hàng này hầu như chưa được kiểm soát về chất lượng.
Trong khi đó, tại các nước tiên tiến trên thế giới đều đã có các khuyến cáo về GMP trong thực phẩm chức năng thì cho đến nay nước ta cũng chưa có quy định hay hướng dẫn rõ ràng, cụ thể nào về tiêu chuẩn GMP cho thực phẩm chức năng. Chính vì vậy mà trong số hơn 1.100 công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng ở Việt Nam hiện mới chỉ có duy nhất 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP dựa trên bản khuyến cáo của ASEAN.
Cùng với đó, quy trình kiểm nghiệm thực phẩm chức năng có yếu tố rất quan trọng để đánh giá chất lượng và hiệu quả thực sự của sản phẩm, nhưng ta mới chỉ thực hiện kiểm nghiệm được độ an toàn của thực phẩm chức năng về các chỉ số như nấm mốc, vi sinh, còn hiệu quả thực tế của thực phẩm chức năng thì chưa kiểm nghiệm được.
Đáng lo ngại hơn, kết quả kiểm nghiệm hàng trăm mẫu thực phẩm chức năng trên thị trường vừa qua đã phát hiện có hơn 30% số mẫu vi phạm về hàm lượng, chất lượng.
Nguyễn Quốc