
Sau hơn 2 tuần cấm xe lôi - xe ba gác máy lưu thông, các loại xe gắn máy, xe mô tô chở hàng cồng kềnh xuất hiện bát nháo trên đường phố Cần Thơ. Người ta gắn thêm phía sau yên xe mô tô các thùng sắt để chở đủ loại hàng: từ nước đá, rau cải, thịt heo đến ti vi, tủ lạnh và thồ hàng ở mọi ngả đường.

Xe 2 bánh chở hàng cồng kềnh dễ gây ra tai nạn. Ảnh: CAO PHONG
Chúng tôi bám theo một chiếc xe gắn máy chở cả chục gói hàng rau cải. Tài xế là anh Hà Văn K. - vốn là một người chạy xe lôi đã giải nghệ. Anh K. cho biết, từ khi cấm xe lôi anh chuyển sang thồ hàng theo kiểu này. Mỗi ngày anh đều làm một chuyến hàng để bỏ mối quen trước đây ở quán H., chợ Xuân Khánh trên đường 30-4. Theo anh K., trước đây xe lôi chỉ tốn khoảng 8.000 đồng/chuyến. Giờ xăng lên giá, không thể chở nhiều lần, ráng chất đầy rồi làm một cuốc cho xong để đỡ tốn tiền xăng.
Chúng tôi gặp hai người đàn ông đang thồ hàng cồng kềnh trên xe gắn máy chở ti ti, chở bia trên đường Lý Tự Trọng. Theo xe họ, chúng tôi phải tăng tốc vì họ chạy rất nhanh và khá ẩu, có lẽ để tránh cảnh sát giao thông. Quan sát kỹ, chúng tôi phát hiện xe gắn máy của họ trước đây dùng để kéo xe lôi. Anh Nguyễn Văn T. cho biết, trong hai tuần qua đã được cửa hàng H.A ở đường Lê Thánh Tôn thuê chở hàng. Anh T. phải gắn thêm một “mâm” chở hàng dã chiến phía sau yên xe. Theo anh T., hiện có gần 30 tài xế xe lôi chuyển sang làm việc dạng này ở quận Ninh Kiều. Họ nhận chở hàng rất đa dạng: nước đá, rau cải, cá, bình gas; hàng trang trí nội thất; điện tử… từ các đại lý ở đường Ngô Quyền, Tân Trào. Trong đó, một số người cứ “lang thang” trên đường, ai kêu gì chở nấy. Dấu hiệu để nhận ra họ: xe gắn máy cũ mèm, phía sau có một cái “mâm” chở hàng. Vắng bóng xe lôi, xe ba gác máy, xe mô tô chở hàng cồng kềnh xuất hiện ngày càng nhiều ở Cần Thơ. Từ người dân đến dân thồ hàng thuê đều chở hàng chạy bạt mạng. Có người chở một gói hàng 1m2 hay một tấm tôn dài khoảng 1,5m đều lái xe bằng một tay. Người đi đường ai thấy cũng tránh xa, vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cần Thơ đã cho phép xe ba gác đạp lưu thông trở lại, nhưng xem ra tình hình càng phức tạp hơn. Vì lượng xe này vẫn không đáp ứng được nhu cầu chở hàng của người dân kinh doanh trong dịp tết đến. Từ đây, phát sinh một trường hợp khá buồn cười và nguy hiểm: Dân xe lôi giải nghệ, lấy xe gắn máy chạy theo đạp đẩy xe ba gác chở hàng ngông nghênh trên phố! Trong ngày 14-1, chúng tôi bắt gặp hình ảnh này thường xuyên xuất hiện ở đường Mậu Thân. Nhiều người táo bạo lấy luôn chiếc xe lôi cũ, tháo máy che phía sau chở hàng mướn chạy như điên.
Trong những ngày qua, cảnh sát giao thông ở Cần Thơ đã phạt nhiều trường hợp xe gắn máy chở hàng cồng kềnh. Tuy nhiên, cảnh sát “phạt cứ phạt”, tình trạng chở hàng cồng kềnh, bát nháo cứ gia tăng. Người thồ hàng cồng kềnh gần như không để ý đến cảnh sát giao thông(!?). Ngày 14-1, chúng tôi chứng kiến khoảng 6 xe gắn máy thồ hàng cồng kềnh đến một điểm tập kết hàng dạng “bến cóc” trên đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều. Tại bến cóc này, xe gắn máy vừa bốc hàng đi vừa thồ hàng đến. Mỗi xe đều chở 4-6 gói hàng cồng kềnh hoạt động trong nhiều giờ nhưng chẳng thấy cảnh sát giao thông nào đến “hỏi thăm”!?
Việc cấm xe lôi, xe ba gác máy ở Cần Thơ cần phải có sự điều chỉnh, ít nhất là gia hạn thời gian hoạt động như nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã làm. Vì hiện tại, gần như Cần Thơ chưa có loại xe chuyên dụng loại nhỏ nào để chở hàng thay thế, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân trong dịp tết càng gia tăng. Cảnh xe gắn máy chở đầy hàng, cao lêu nghêu rất nguy hiểm; khả năng gây tai nạn giao thông còn cao hơn xe lôi, xe ba gác. Chưa đầy hai tháng nữa, Năm du lịch Quốc gia sẽ diễn ra tại TP Cần Thơ, thiết nghĩ địa phương cần có giải pháp vẹn toàn: đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân; loại bỏ những chiếc xe mô tô chở hàng cồng kềnh, chạy bát nháo trên đường phố!
Cao Phong
Người chạy xe lôi, ba gác gặp nhiều khó khăn Đến chiều 14-1, toàn TP Cần Thơ có 435 người chạy xe lôi, xe ba gác máy (có đăng ký) nhận tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Hơn 40 trường hợp chưa được nhận tiền vì phát sinh nhiều vướng mắc về thủ tục. Ông Dương Tiến Dũng, Chánh văn phòng Sở GTCC TP Cần Thơ cho biết, các trường hợp đó gồm: chủ sở hữu xe đã chết, không có giấy ủy quyền cho người thừa kế sử dụng; người nhận tiền không trùng tên với chủ sở hữu vì mua bán sang tay; vợ đứng tên chủ xe nhưng đã ly dị với chồng; không có giấy đăng ký xe gốc; mất giấy tờ; người nhận tiền không có giấy chứng minh nhân dân… * UBND TP Cần Thơ vừa ban hành công văn cho phép xe lôi đạp (không gắn máy), xe ba gác ba đạp, xe đẩy và xe thô sơ được phép hoạt động đến hết tháng 6-2008. Nhưng các loại phương tiện này không được phép hoạt động tại một số tuyến đường: Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, CMT8, Hùng Vương, 3-2, Trần Phú, Trần Hưng Đạo. |