Bất ổn Belarus

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã cam kết hỗ trợ toàn diện nhằm đảm bảo an ninh cho Minsk. Trong khi đó, phương Tây tiếp tục dùng biện pháp cấm vận với chính phủ của Tổng thống Lukashenko để gây sức ép buộc ông này từ chức sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vừa qua.
Cảnh sát Belarus bắt giữ người biểu tình gây bạo động
Cảnh sát Belarus bắt giữ người biểu tình gây bạo động

Tìm sự giúp đỡ từ Nga

Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus trích dẫn phát biểu của ông Lukashenko ngày 15-8 cho biết: “Theo yêu cầu đầu tiên, Nga sẽ hỗ trợ toàn diện để đảm bảo an ninh của Belarus trong trường hợp có các mối đe dọa quân sự từ bên ngoài”. Tuyên bố của Điện Kremlin không đề cập đến sự hỗ trợ như vậy nhưng cho biết cả hai bên bày tỏ tin tưởng mọi vấn đề ở Belarus sẽ sớm được giải quyết.

Điện Kremlin cho hay, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ song phương. Bên cạnh đó, Tổng thống Lukashenko cũng bày tỏ quan ngại về các cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ba Lan và Litva, coi đây là hành động tăng cường vũ trang. Để đảm bảo an ninh, Tổng thống Lukashenko thông báo một lữ đoàn tác chiến nhảy dù sẽ di chuyển đến biên giới miền Tây nước này.

Các cuộc biểu tình và xô xát với cảnh sát chống bạo loạn đã bùng phát tại Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 9-8 vừa qua. Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus, Tổng thống Lukashenko, người nắm quyền từ năm 1994, giành được 80,1% số phiếu bầu và ứng cử viên đối lập chính Svetlana Tikhanovskaya chỉ đạt 10,12%. Nhưng bà Tikhanovskaya khẳng định các phiếu bầu không được kiểm đúng cách, lẽ ra bà đã giành được sự ủng hộ từ 60%-70%.

Bà Svetlana Tikhanovskaya không công nhận kết quả bầu cử đồng thời rời Belarus để sang Litva vào ngày 11-8. Chiến dịch tranh cử của bà Tikhanovskaya thông báo bà đang bắt đầu thành lập một hội đồng quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao quyền lực. Hơn 6.700 người biểu tình đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương. Ngày 15-8, hàng ngàn người biểu tình tiếp tục đổ ra đường ở thủ đô Minsk theo lời kêu gọi của phe đối lập.

Phản ứng từ phương Tây

Nga và Belarus đã ký một thỏa thuận vào năm 1999 nhằm thiết lập nhà nước liên bang thống nhất. Nga coi Belarus là vùng đệm chiến lược chống lại ảnh hưởng của NATO và Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận này chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí mối quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống đã căng thẳng trước cuộc bầu cử, khi Nga cắt giảm các khoản trợ cấp hỗ trợ chính phủ của ông Lukashenko. Gần đây, ông Lukashenko bác bỏ lời kêu gọi từ Moscow nhằm tăng cường các mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn. Thế nhưng, tình hình hiện nay cho thấy Tổng thống Belarus Lukashenko đang tìm lại quan hệ đồng minh thân thiết với Nga.

Ông Lukashenko cáo buộc những người biểu tình là tội phạm và có quan hệ với những người ủng hộ nước ngoài. Moscow trong tuần này cũng cáo buộc các quốc gia giấu tên “can thiệp từ bên ngoài” vào Belarus. Nga lo ngại nước ngoài hỗ trợ các cuộc biểu tình tại Belarus nhằm thực hiện các “cuộc cách mạng màu” như ở Ukraine và Gruzia. Một số nhà máy công nghiệp do nhà nước quản lý lớn nhất của Belarus, trụ cột của mô hình kinh tế kiểu Liên Xô, đã bị ảnh hưởng do các cuộc biểu tình. 

Trong khi đó, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus để đáp trả điều mà họ cho là cuộc đàn áp bạo lực nhắm vào người biểu tình phản đối kết quả bầu cử. Mỹ cũng lên án cuộc bầu cử là “không tự do và công bằng”. Trong chuyến thăm tới nước láng giềng Ba Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đang thảo luận về tình hình Belarus với EU. Các nhà lãnh đạo của Estonia, Latvia và Litva đã kêu gọi Belarus tiến hành các cuộc bầu cử mới “tự do và công bằng”.

Tin cùng chuyên mục