Bất ổn chính trị, hàng nghìn người Cote D'ivoire (Bờ Biển Ngà) di tản

  •  ECOWAS ra tối hậu thư với ông Gbagbo

 
Theo LHQ, khoảng 14.000 người đã chạy khỏi Cote D'ivoire sang nước láng giềng Liberia lánh nạn do lo ngại tình hình an ninh bất ổn bùng nổ sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi tại quốc gia Tây Phi này.

LHQ cho biết đang chuẩn bị cứu trợ và tiếp đón khoảng 30.000 người tị nạn, hầu hết là những người ủng hộ ông Alassane Ouattara, người được quốc tế công nhận là tân Tổng thống Cote D'ivoire.

Trong khi đó, nhằm gia tăng sức ép lên Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo, Ngoại trưởng Jean Marie Ehouzou của Bênanh cho biết lãnh đạo ba quốc gia Tây Phi là Bênanh, Sierra Leone và Cape verde với tư cách đại diện khối Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ tới Cote D'ivoire vào ngày 28/12 để ra tối hậu thư yêu cầu ông Gbagbo nhanh chóng từ chức nếu không muốn đối mặt với một sự can thiệp bằng quân sự.

Đáp lại yêu cầu của ECOWAS, ông Gbagbo đã tuyên bố sẽ không bao giờ từ chức và cảnh báo mọi hành động quân sự để lật đổ ông sẽ phá hủy nền kinh tế khu vực Tây Phi và kích động một cuộc nội chiến tại Cote D'ivoire. Ông Gbagbo còn nói thêm một cuộc nội chiến tại Cote D'ivoire cũng sẽ khiến hàng triệu công dân các nước Tây Phi đang sống tại đây sẽ đối mặt với nguy hiểm. Người phát ngôn của ông Gbagbo cho biết hàng triệu công dân các quốc gia Tây Phi khác đã đến Cote D'ivoire tìm việc làm trong nhiều năm qua và họ từng trở thành mục tiêu tấn công trong những cuộc khủng hoảng trước đây tại Cote D'ivoire.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng khó có khả năng các quốc gia Tây Phi sử dụng hành động quân sự đối với Cote D'ivoire. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính sách Đối ngoại Mỹ Peter Pham tỏ ra hoài nghi việc các quốc gia trong ECOWAS đủ năng lực tài chính để tiến hành việc này. Hơn nữa, không một quốc gia nào trong ECOWAS có lực lượng đặc biệt đủ khả năng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu để lật đổ ông Gbagbo. Trong khi đó, ít có cơ hội để LHQ cho phép lực lượng của mình tham gia các hành động quân sự này vì một tiền lệ như vậy có thể sẽ khiến cơ quan này gặp khó khăn khi thực hiện các thỏa thuận trong tương lai về việc triển khai quân tại những nước có khủng hoảng.

Bên cạnh đó, về kinh tế, Cote D'ivoire là một nền kinh tế quan trọng của khu vực Tây Phi vì quốc gia này có tới hai hải cảng lớn và là quốc gia xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới, chiếm hơn 1/3 nguồn cung ca cao cho toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, biện pháp khả thi nhất hiện nay là gia tăng sức ép ngoại giao và biện pháp trừng phạt nhằm cô lập ông Gbagbo. Các nhà phân tích cho rằng động thái này có thể hiệu quả trong trường hợp ông Gbagbo không còn tiền để trả cho lực lượng an ninh và quân đội. Một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ ông Gbagbo chỉ còn đủ tiền điều hành đất nước trong khoảng ba tháng nữa.

Ngày 26/12, Liên minh RHDP (gồm các đảng ủng hộ ông Ouattara) đã kêu gọi tổng đình công từ ngày 27/12 cho đến khi ông Gbagbo từ chức.

Trong một nỗ lực khác nhằm cô lập ông Gbagbo, Pháp đã buộc một chiếc máy bay thuộc lực lượng ủng hộ ông Gbagbo phải hạ cánh xuống sân bay Mulhouse, thuộc khu vực biên giới Pháp-Thụy Sĩ.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục