Sau khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm từ 40% xuống còn 30% chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2017 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), lượng xe nhập khẩu tăng cao.
Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận được ô tô giá rẻ hơn như kỳ vọng. Bởi sau khi cập cảng, giá mỗi chiếc xe bị thổi giá lên gấp nhiều lần.
Khách hàng chọn mua xe tại Toyota Đông Saigon (TPHCM)
Thuế cao, giá giảm nhỏ giọt
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15-2, cả nước nhập khẩu 12.042 ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, dòng ô tô dưới 9 chỗ ngồi có số lượng nhiều nhất với 7.883 chiếc, tổng trị giá 131,4 triệu USD; cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng 15 ngày đầu tháng 2, lượng ô tô nhập khẩu cao gấp 7 lần. Về giá xe (chưa bao gồm các loại thuế, phí), giá trung bình tháng 2 của loại dưới 9 chỗ khoảng 25.000USD/chiếc, tương đương 560 triệu đồng/chiếc. Phần lớn xe nhập khẩu trong khoảng thời gian đầu năm có nguồn gốc từ Thái Lan và Indonesia (Thái Lan khoảng 80%). Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là 2 quốc gia có lượng xe xuất khẩu chính sang Việt Nam trong năm 2017 cũng như trong năm 2018, sau khi thuế nhập khẩu điều chỉnh từ 30% hiện nay về 0% theo cam kết của ATIGA.
Theo tính toán, nếu thuế nhập khẩu được giảm 10%, các hãng có thể giảm giá xe xuống khoảng 6% - 7%. Tuy nhiên, ghi nhận thị trường cho thấy, một số dòng xe nhỏ nhập khẩu từ Ấn Độ có mức giá cập cảng khoảng 84 triệu đồng, nhưng sau khi cộng các khoản thuế, chi phí…, giá bán đến tay người tiêu dùng vượt trên 400 triệu đồng tại Việt Nam. Hầu hết các dòng xe nhập khẩu còn lại tuy có điều chỉnh về giá bán nhưng không đáng kể. Đơn cử, mẫu xe Accord 2016 phiên bản 2.4L của Honda được áp dụng mức giá mới là 1,39 tỷ đồng, giảm 80 triệu đồng so với trước đó. Tuy nhiên, việc giảm giá lại gần như là bắt buộc với Accord 2016 khi đang phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt đến từ các đối thủ khác cùng phân khúc, đặc biệt là Mazda6, mẫu xe vừa được giảm giá hơn 100 triệu đồng vào cuối 2016. Tương tự, Toyota Việt Nam với động thái hạ giá mẫu Yaris G 1.5L, số tự động, từ 689 triệu đồng xuống còn 642 triệu đồng và phiên bản Yaris E động cơ 1.5L, số tự động, giảm 44 triệu đồng, từ 636 triệu đồng xuống còn 592 triệu đồng. Hay một loạt mẫu xe hạng sang như Lexus LX570 giảm 210 triệu đồng, xuống còn 7,81 tỷ đồng; Lexus LS460L và Lexus GX460 cùng giảm 140 triệu đồng xuống còn 7,54 tỷ đồng và 5,06 tỷ đồng; ... Nhìn qua, cứ ngỡ các dòng xe này giảm giá nhiều, song thực chất mức giảm chỉ nhỏ giọt. “Giá ô tô không thể giảm sâu như kỳ vọng bởi dù thuế nhập khẩu giảm, nhưng giá bán còn phụ thuộc vào nhiều chi phí như bán hàng, tỷ giá và những chi phí “vô hình” khác trước khi xe lăn bánh tại thị trường Việt Nam”, ông Dương Văn Hùng, chuyên nhập khẩu ô tô tại quận Bình Tân, TPHCM, giải thích.
Lỗ hổng chi phí
Khoảng 1.000 ô tô vào Việt Nam từ thị trường Ấn Độ với giá xe nhập khẩu (chưa tính các loại thuế, phí) là 3.700USD, xấp xỉ 84 triệu đồng/chiếc, đang là chủ đề “hot” những ngày qua. Tuy nhiên, nhìn trên thực tế, số xe nhập từ Ấn Độ về Việt Nam chủ yếu là xe hạng nhỏ cùng một vài mẫu xe thương mại khác. Và mức giá bán ra khi xe lăn bánh tại thị trường Việt Nam không hề thấp. Dẫn chứng như chiếc i10 dưới 1,5L, sau khi tính giá theo điều kiện thương mại CIF là 84 triệu đồng, doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thêm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT theo cách tính lũy tiến, chiếc xe có mức giá mới khoảng 220 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện chiếc xe này đến tay người tiêu dùng có mức giá hơn 400 triệu đồng. Vậy, ngoài việc cõng thêm khoảng 2,5 lần thuế, gần 50% giá xe bị “thổi giá” do đâu? “Sau khi tăng giá vì thuế, doanh nghiệp sẽ phải cộng chi phí ở khâu phân phối bao gồm chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành, dự phòng rủi ro, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng lợi nhuận trên dưới 6%. Từ đó, dẫn đến giá xe sẽ có thể tăng 4 - 5 lần so với giá nhập khẩu”, đại diện Toyota Đông Sài Gòn cho biết.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Tiên, Trường Đại học Thương mại TPHCM, cho rằng ngoài mức thuế thu được nộp vào Kho bạc Nhà nước, mức 50% chi phí “phi chính thức” bị đẩy lên là có sự “bắt tay làm giá”. Trong đó, có các khoản “bôi trơn” khi xe nhập khẩu cập cảng, lưu thông trên đường khi chưa có biển số… Tất cả đều nhằm mục đích “móc túi” người tiêu dùng. Mặt khác, dù hiện nay, Thông tư 20 của Bộ Công thương đã hết hiệu lực, nhưng các cơ quan chức năng vẫn duy trì quy định chỉ những đơn vị có giấy ủy quyền chính hãng mới được nhập khẩu ô tô. Từ đó, tạo ra thế độc quyền, lợi ích nhóm cho một số ít doanh nghiệp nhập khẩu. Chưa kể, các doanh nghiệp ô tô FDI tại Việt Nam hiện nay vừa lắp ráp xe lại vừa được độc quyền nhập khẩu các thương hiệu của chính mình. Trong khi đó, lắp ráp trong nước đang đem lại lợi nhuận cao, vì vậy, việc không nhập khẩu xe giá rẻ về phân phối là điều dễ hiểu.
“Nếu không được tự do nhập khẩu ô tô, vẫn chỉ có các doanh nghiệp chính hãng mới được nhập xe như hiện nay, thị trường sẽ khó thay đổi. Do đó, theo tôi nếu quy định này được bãi bỏ, các doanh nghiệp được tự do nhập khẩu ô tô, thì xe nhập tràn về sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với xe trong nước, giá giảm là điều chắc chắn, thị trường ô tô sẽ rất sôi động”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Tiên nhận định. |
LẠC PHONG