Bất thường VNS?

Thời gian gần đây, nhiều CTCK đưa ra các bảng phân tích về mã VNS của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Thậm chí có CTCK còn liên tiếp khuyến nghị NĐT mua vào VNS. Có điều gì bất thường trong việc làm này?
Bất thường VNS?

Thời gian gần đây, nhiều CTCK đưa ra các bảng phân tích về mã VNS của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Thậm chí có CTCK còn liên tiếp khuyến nghị NĐT mua vào VNS. Có điều gì bất thường trong việc làm này?

  • Khuyến nghị mua vào

Trong bản phân tích đầu tiên phát hành ngày 22-9, CTCK TPHCM (HSC) khuyến nghị NĐT mua VNS với lý do doanh nghiệp (DN) này có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính vượt kế hoạch do số xe tăng cao hơn dự kiến, doanh thu bình quân ngày/xe tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, và có lợi nhuận bất thường từ việc bán đất, giúp lợi nhuận thuần của VNS trong năm 2010 có khả năng đạt cao hơn kế hoạch.

Điểm mấu chốt trong hoạt động kinh doanh của VNS là khả năng mua xe mới với giá cả hợp lý, khấu hao trong khoảng hơn 6 năm và bán lại để đem về lợi nhuận bất thường. Do đó, mở rộng đội xe cũng sẽ đảm bảo tạo ra lợi nhuận vững chắc trong tương lai.

HSC cũng dự báo trong quý IV VNS sẽ đạt thêm 32 tỷ đồng lợi nhuận thuần và theo đó lợi nhuận thuần năm 2010 lên 195 tỷ đồng. Như vậy, EPS điều chỉnh theo yếu tố pha loãng đạt 7.807 đồng/CP, P/E dự phóng đạt 4x; P/B đạt 1,1x cho mức giá thời điểm công bố là 31.00 đồng/CP.

Trong bản phân tích phát hành ngày 8-11, căn cứ kết quả kinh doanh của VNS trong 9 tháng đầu năm, HSC tiếp tục lặp lại khuyến nghị NĐT mua vào VNS. 9 tháng đầu năm, doanh thu của VNS tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.187 tỷ đồng, nhờ số lượng xe tăng 50% (lên đến 3.566 chiếc vào cuối quý III).

Ngoài ra, VNS đã bán xong mảnh đất có diện tích 717m2 trên đường Thủ Khoa Huân (quận 1, TPHCM) với giá 290 tỷ đồng; trừ chi phí 192 tỷ đồng, VNS thu về 98 tỷ đồng lợi nhuận.

Trong tháng 9, CTCK ACB (ACBS) cũng đưa ra bản phân tích về VNS. Sau những phân tích tốt về VNS, ACBS kết luận giá thị trường hiện tại của VNS đang hứa hẹn tỷ suất sinh lợi vào khoảng 20-40% khi giá CP đang hướng về giá trị nội tại.

Tuy nhiên, thời gian đầu có thể kéo dài hơn mong đợi của NĐT ngắn hạn. Do vậy, chiến lược nắm giữ CP VNS khá thích hợp trong giai đoạn này. Cuối tháng 10, đến lượt CTCK Sacombank (SBS) đưa ra bản phân tích về VNS. Theo SBS, hoạt động kinh doanh chính của VNS tương đối ổn định và vẫn giữ được nhịp điệu tăng trưởng. Với vị trí là DN lớn nhất ngành ở khu vực TPHCM (thị trường chính của hoạt động taxi), rất khó để các DN taxi khác giữ vững thị phần trước sự lớn mạnh của VNS.

Tương tự 2 CTCK trên, sau khi phân tích những triển vọng của VNS, SBS cũng khuyến nghị mua đối với CP VNS với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng 25-30% sau 6 tháng. Để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, NĐT nên mua khi thị trường điều chỉnh và giá mua từ 30.000 đồng/CP trở xuống.

Thế mạnh của VNS là đang quản đội xe taxi lên đến 3.566 chiếc. Ảnh: LÃ ANH

Thế mạnh của VNS là đang quản đội xe taxi lên đến 3.566 chiếc. Ảnh: LÃ ANH

  • Có dụng ý?

Việc các CTCK đưa ra các bản phân tích về các mã CP DN là hoạt động hết sức bình thường nhằm giúp cho NĐT có thêm sự lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, hiện tượng nhiều CTCK liên tục đưa ra bản phân tích về một mã CP lại là sự kiện bất thường.

Thực tế VNS là DN hàng đầu trong lĩnh vực taxi và tình hình tài chính lành mạnh, đây là điều mà NĐT nào cũng biết. Tuy nhiên, hoạt động của VNS cũng không tránh khỏi những rủi ro, đây là điều NĐT hết sức quan tâm nhưng các bản phân tích của các CTCK lại không nói nhiều về vấn đề này.

Chẳng hạn, HSC chỉ nêu chiếu lệ: Do tính chất đặc thù của ngành vận tải, sự biến động về giá xăng dầu ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động VNS. Hiện tại, có rất nhiều hãng taxi nhỏ hoạt động không theo các tiêu chuẩn và cạnh tranh không lành mạnh, điều này gây ảnh hưởng xấu đến Vinasun.

Trong bối cảnh TTCK còn thiếu minh bạch như hiện nay, hiện tượng nhiều CTCK cùng đưa ra bản phân tích về mã VNS khiến NĐT không khỏi nghi ngờ về dụng ý của các CTCK này. Trên thực tế, thời điểm HSC đưa ra bản phân tích đầu tiên, giá CP VNS là 31.000 đồng/CP, nhưng đến khi HSC đưa ra bản phân tích lần thứ hai, giá CP VNS chỉ còn 29.000 đồng/CP, thanh khoản cũng bị tụt giảm mạnh.

Như vậy, nếu NĐT mua vào sau khi đọc bản phân tích đầu tiên của HSC đã nắm chắc thua lỗ. Trong khi các CTCK hô hào NĐT mua vào, liệu phòng tự doanh của các CTCK này có dám mua vào CP VNS để đầu tư?

Hải Hồ

Tin cùng chuyên mục