Hôm nay, 22-9, gần 62 triệu cử tri đủ tư cách sẽ đi bỏ phiếu để bầu 598 nghị sĩ Quốc hội nhiệm kỳ 18 tại CHLB Đức. Trong tình hình hiện nay, mặc dù chiến thắng gần như đã nằm trong tầm tay, song đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel vẫn khó giành được đa số để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ, mà phải tìm kiếm liên minh với ít nhất một đảng khác.
Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền
Về lý thuyết, có tới 34 đảng phái tham gia tranh cử, song thực tế đây sẽ là cuộc đua giữa 2 đảng đối đầu lớn nhất trong Quốc hội là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Cho đến ngày 21-9, các chiến dịch tranh cử như những nỗ lực cuối cùng của 2 đảng vẫn diễn ra rải rác trên khắp nước Đức. Nỗ lực này nhằm thuyết phục 1/3 số cử tri còn do dự, chưa biết sẽ bỏ phiếu cho nhân vật hay đảng phái nào (theo kênh truyền hình ZDF công bố kết quả thăm dò dư luận chỉ 3 ngày trước ngày bầu cử).
Theo một số thăm dò trước bầu cử, số cử tri ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục nhiệm kỳ 3 chèo lái nước Đức đạt 58%, trong khi tỷ lệ này dành cho ứng cử viên đảng SPD Peer Steinbrück chỉ đạt 32%. Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa 2 ứng cử viên trên, chủ đề được đề cập nhiều nhất vẫn là các vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” mà cử tri thật sự quan tâm. Ứng cử viên Steinbrück cho biết nếu thắng cử, ông sẽ lập lại công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với việc áp dụng mức lương tối thiểu 8,50 EUR/giờ, trong khi bà Merkel vẫn bảo lưu chính sách áp dụng mức lương theo từng ngành nghề và do giới chủ cùng các nghiệp đoàn tự thương lượng.
Trong khi ứng cử viên SPD đề nghị tăng thuế với những người có thu nhập trên 100.000 EUR/năm từ mức 42% hiện nay lên 49%, bà Merkel cho rằng việc tăng thuế đánh vào người có thu nhập cao sẽ gây bất lợi đối với nền kinh tế và khả năng kiến tạo việc làm ở Đức…
Bắt tay cùng phát triển
Cuộc bầu cử lần này không khó dự đoán người chiến thắng, mà khó dự đoán đảng chiến thắng sẽ liên minh với đảng nào để thành lập chính phủ khi nhiều đối tác liên minh khác đều rất ít khả năng vượt qua ngưỡng 5% để có đại diện trong Quốc hội. Theo giới quan sát, trong trường hợp liên minh trung hữu của bà Merkel không giành được đa số, rất có thể CDU sẽ phải bắt tay với SPD hoặc đảng Dân chủ Tự do (FDP). Trong lịch sử 17 kỳ bầu cử Quốc hội Đức, chưa có đảng nào giành được đa số để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ, mà phải tìm kiếm liên minh với ít nhất một đảng khác. CDU và SPD có 2 lần duy nhất lập “đại liên minh” cầm quyền là nhiệm kỳ 1965 - 1969 và 2005 - 2009. Thực tế, CDU và SPD là hai đảng canh tranh nhau, song việc lập lại đại liên minh này được cử tri rất hoan nghênh. Theo Viện Thăm dò dư luận Forsa, kịch bản một đại liên minh được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi cử tri rất kỳ vọng vào các chính sách hướng tới sự đồng thuận chung và họ mong muốn 2 đảng lớn nhất cùng đương đầu với những vấn đề mà nước Đức đang phải đối mặt. Cư tri cho rằng trên thực tế 2 đảng này có chương trình hành động giống nhau, gần như không có khác biệt, vậy họ nên cùng bắt tay để phát triển nước Đức.
Theo giới quan sát, bất luận đó là liên minh giữa các đảng phái, chính phủ mới của Đức chắc chắn sẽ thận trọng và cứng rắn hơn trong chính sách đối với eurozone. Điều mà châu Âu hồi hộp là liệu chính sách của chính phủ mới có thể thay đổi toàn bộ cách xử lý khủng hoảng nợ công hiện nay hay không? Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và nền kinh tế Eurozone sẽ được giải quyết và phát triển theo con đường như thế nào vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ vì thực tế cho thấy, trong các cuộc tranh luận vừa qua, các ứng cử viên đã không còn tỏ ra mặn mà với các đề tài về châu Âu, mà chỉ tập trung những vấn đề trong nước như chênh lệch giàu - nghèo, nâng cao điều kiện sống, cải thiện hạ tầng cơ sở. Trong khi đó báo Financial Times nhận định chính sách của chính phủ mới sẽ không thể khác với những chính sách hiện tại.
HẠNH CHI (tổng hợp)