Tiến trình thành lập Nhà nước Palestine độc lập gặp không ít khó khăn như chính cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Palestine giành lại các vùng đất bị Israel chiếm đóng.
Năm 2011, Palestine đã đệ đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của LHQ. Với tư cách là thành viên thường trực HĐBA LHQ, Mỹ đe dọa phủ quyết bất cứ động thái nào nhằm tuyên bố độc lập của Palestine. Mới đây, nhà đàm phán hòa bình cấp cao của Palestine Saeb Erekat cho biết Mỹ vừa thông báo với ban lãnh đạo Palestine về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu họ tiếp tục nỗ lực theo đuổi để được trao quy chế thành viên chính thức của LHQ. Ông Erekat cho biết các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm việc ngừng viện trợ tài chính của Mỹ cho chính quyền Palestine (PNA) và đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Washington.
Năm ngoái Mỹ cũng đã cắt mọi viện trợ đối với Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục LHQ (UNESCO) vì kết nạp Palestine, tuy nhiên UNESCO không lùi bước. UNESCO mới đây cho biết đang xem xét công nhận di sản thế giới đối với Nhà thờ Giáng sinh và tuyến đường hành hương ở Bethlehem, nơi ra đời của Chúa Jesus. Đến nay đã có hơn 120 quốc gia công nhận Nhà nước Palestine độc lập, trong đó có nhiều nước phương Tây đồng minh của Mỹ, nhưng Mỹ lại bác bỏ khi cho rằng hai bên Israel và Palestine nên đàm phán về biên giới và các vấn đề liên quan như hồi hương người Palestine, chấm dứt bạo lực… trước khi Palestine tuyên bố độc lập.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuần qua đã thúc giục Israel chấp nhận giải pháp 2 nhà nước. Ông cho rằng việc Palestine trở thành thành viên của LHQ không ảnh hưởng gì đến tiến trình hòa đàm với Israel.
AFP dẫn lời của Tổng thống Abbas phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 5-6: “Tôi muốn nói với những người láng giềng Israel rằng, chúng tôi là những người mưu cầu hòa bình và tự do, nhân dân chúng tôi đã phải hy sinh lợi ích của mình khi chấp nhận thành lập nhà nước với diện tích chưa đầy ¼ so với các vùng đất từng thuộc Palestine”. Cũng theo ông, Israel và các bên không nên quay lưng lại với cơ hội này vì khu vực đang có nhiều diễn biến nhanh chóng.
Tiến trình hòa bình Israel-Palestine rơi vào bế tắc phần lớn do chính sách mở rộng khu định cư Do Thái của Israel trên đất chiếm đóng của Palestine. Washington biết rõ vấn đề nhưng không thể nào gây sức ép với Israel để ngừng chính sách này lại còn thúc ép Palestine phải đàm phán không điều kiện với Israel.
Vấn đề Mỹ ngăn cản Palestine tuyên bố độc lập là do sức ép của Israel và cộng đồng Do Thái ở Mỹ, một lực lượng cử tri quan trọng mà bất kỳ ông chủ Nhà Trắng nào cũng phải tính đến. Cứ hai năm một lần nước Mỹ tiến hành các cuộc bầu cử một phần lưỡng viện quốc hội và 4 năm bầu tổng thống. Không một ứng cử viên nào muốn mất phiếu của cử tri Do Thái. Vì vậy tiến trình hòa bình Trung Đông không thể nào có lối thoát nếu cứ để các nhà chính trị Mỹ vì lợi ích của họ thao túng sự tự do và độc lập của nhân dân Palestine.
Thụy Vũ