Bầu cử tổng thống Venezuela: Hứa hẹn gay cấn

13 năm và hơn nữa
Bầu cử tổng thống Venezuela: Hứa hẹn gay cấn

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và đối thủ Henrique Capriles ngày 2-7 đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Cuộc bầu cử tổng thống ở đất nước giàu dầu mỏ này, sẽ diễn ra vào tháng 10, hứa hẹn nhiều gay cấn bởi vận động tranh cử thật sự là cuộc đấu tranh giữa hai con đường: xây dựng CNXH Thế kỷ 21 của đương kim Tổng thống Hugo Chavez với  chủ trương quay lại nền kinh tế thị trường theo chủ nghĩa tự do mới của cựu Thống đốc bang Miranda Henrique Capriles.

Tổng thống Venezuela Hugo Chevez trong cuộc vận động bầu cử ngày 2-7.

Tổng thống Venezuela Hugo Chevez trong cuộc vận động bầu cử ngày 2-7.

13 năm và hơn nữa

Sau 13 năm cầm quyền, Tổng thống Hugo Chavez sắp tới phải đối mặt với một cuộc bầu cử khá khó khăn nhằm tiếp tục khẳng định vị trí của mình như lá cờ đầu của phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh. Ông Chavez đã phải đương đầu với căn bệnh ung thư hơn 1 năm qua. Nếu giành thắng lợi thêm một nhiệm kỳ 7 năm nữa, ông Chavez có thể cầm quyền trong 20 năm.  Tổng thống Chavez khẳng định nếu đắc cử trong nhiệm kỳ tới, ông sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho các chương trình xã hội. Ông cam kết trong vòng 6 năm tới, tỷ lệ nghèo ở quốc gia Nam Mỹ này sẽ giảm về 0%. Ông khẳng định tương lai của Venezuela trong 100 năm tới sẽ được định đoạt trong 100 ngày diễn ra chiến dịch tranh cử này, vì một cuộc cách mạng không được đo đếm bằng năm hoặc bằng thập kỷ mà phải là thế kỷ.

Ông Chavez khởi đầu chiến dịch tranh cử của mình tại thị trấn Mariara ở bang Carabobo. Hàng ngàn người đã cùng mặc áo đỏ kéo về đây tạo nên làn sóng thủy triều đỏ. Họ cùng reo vang tên ông. Ông Chavez sau đó đã lên một chiếc xe tải mui trần cùng đi với những người ủng hộ tới thị trấn Maracay cách đó 18km để đọc bài diễn văn kéo dài 90 phút. Trước khi đọc diễn văn, như để chứng tỏ sức khỏe của mình vẫn còn tốt, ông cất giọng hát quốc ca. “Đầu tiên, tôi muốn cảm ơn Chúa cứu thế vì đã cho phép tôi vượt qua khó khăn để cùng với nhân dân Venezuela bắt đầu một cuộc chiến mới. Chúng ta sẽ chiến đấu từng ngày, từng đêm để tìm 10 triệu phiếu bầu hạ gục đối thủ”, Tổng thống Venezuela nói.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, ông Chavez dẫn trước đối thủ đến 20 điểm nhưng cơ hội với ông Henrique Capriles, cựu Thống đốc bang Miranda vẫn còn khi có tới 35% cử tri chưa quyết định lá phiếu của mình.

Mỹ liên tục quấy rối

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Chavez từ năm 1999 đến năm 2000 ông đã tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp mới dẫn tới cuộc bầu cử năm 2000 và ông tiếp tục giành chiến thắng ở cuộc bầu cử này để cầm quyền trong nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 6 năm (2000-2006) và sau đó là nhiệm kỳ thứ ba (2006-2012). Trong suốt 13 năm cầm quyền của ông Chavez, Mỹ nhiều lần công khai hoặc bí mật lên các kế hoạch lật đổ ông nhưng đều thất bại. Ngày 11-4-2002, các cuộc biểu tình lớn giữa những người ủng hộ và chống đối Tổng thống Chavez đã biến thành bạo động dẫn đến việc một nhóm sĩ quan quân đội đã buộc ông phải từ chức nhưng chính sự ủng hộ của người dân đã giúp ông Chavez trở lại vị trí cầm quyền chỉ vài ngày sau đó. Tổng thống Chavez cho biết ông có bằng chứng về sự can dự của Mỹ trong cuộc đảo chính bất thành này. Kể từ đó, ông Chavez liên tục tố cáo Mỹ có âm mưu xâm lược Venezuela.

Cho đến gần đây, Mỹ liên tục đưa ra nhận định rằng “cuộc sống của ông Chavez chỉ còn tính bằng ngày” do căn bệnh ung thư của ông “ở giai đoạn cuối”. Trong số này, đáng chú ý là tuyên bố của cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Robert Zoellick, người Mỹ. Theo ông Zoellick, các nhà dân chủ ở Mỹ Latinh nên chuẩn bị cho “một cơ hội để đưa Tây Bán Cầu đến với dân chủ”. Venezuela đã cực lực bác bỏ phát biểu này, xem đây là sự can thiệp thô bạo vào tình hình nội bộ của Venezuela. Phát biểu trong cuộc vận động bầu cử, Tổng thống Venezuela cho biết ông đã trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe sau đợt xạ trị ở Cuba với kết quả “hết sức tích cực”.

Khánh Minh tổng hợp

Tin cùng chuyên mục