Bầy hầy chỗ ở nội trú học sinh phổ thông

Phòng hẹp, người đông
Bầy hầy chỗ ở nội trú học sinh phổ thông

Ngoài trời đã nóng nhưng bên trong các khu nội trú dành cho học sinh (HS) phổ thông các trường lại càng nóng hơn với cảnh quá tải, nhếch nhác ở các phòng nghỉ. Với không gian “thở” trung bình 1m²/người, các khu nội trú rõ ràng đang tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Phòng hẹp, người đông

Nhìn vẻ bề ngoài tại Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (đường Hồ Bá Phấn, quận 9, TPHCM), có vẻ tươm tất với hồ bơi, sân chơi… nhưng ít ai ngờ chỗ nghỉ học sinh đang trong tình trạng quá tải. Khu nội trú chỉ có 18 phòng đơn (mỗi phòng đơn có 13 giường 2 tầng = 26 giường) và 6 phòng đôi (hơn 50 giường) nhưng phải chứa tới gần 1.000 HS nội trú.

Ở khu dành cho HS nam, căn phòng đôi với 26 chiếc giường tầng được chia thành hai hàng chạy dài từ đầu phòng đến cuối phòng, ở giữa chỉ còn lối đi rộng hơn 1m. Do không có khoảng cách giữa các giường nên những em ở vị trí chính giữa muốn từ giường ra ngoài hoặc từ ngoài chui vào giường phải chui từ hướng cuối giường hoặc bò qua giường của bạn. Mấy chục HS ở một phòng nhưng mỗi phòng chỉ có 2 nhà vệ sinh.

Học sinh nội trú sinh hoạt trong phòng nghỉ chật chội.

Học sinh nội trú sinh hoạt trong phòng nghỉ chật chội.

Khu nội trú của Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (đường Mai Lão Bạng, phường 13, quận Tân Bình) diện tích chưa tới 50m² nhưng lại chứa đến 48 HS và 2 thầy quản nhiệm. Tính ra, mỗi người chưa được 1m². Diện tích phía dưới đã hạn chế, không gian phía trên cũng chẳng hơn gì, vì ở đây toàn là giường tầng nên HS trèo lên giường là đụng tới trần nhà vì giường có đến 3 tầng.

“Những ngày qua trời nóng như đổ lửa, tụi em vừa cởi trần vừa bật quạt mà cũng không chịu nổi bởi tối ngủ phải đóng cửa phòng kín mít”, các em HS ở đây cho biết. “Ấn tượng đầu tiên mỗi khi bước vào phòng là mùi mồ hôi nồng nặc tỏa khắp nơi” – một chị lao công trường nói vậy.

Trường Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình) có số lượng HS cũng đông đến ngột ngạt. Khu nội trú có khoảng 45 phòng ở, 4 phòng dành cho HS tiểu học, cấp 2 có 15 phòng và cấp 3 có 26 phòng học. Với hơn 2.000 HS ở nội trú, nên thậm chí có phòng tới hơn 120 HS ở chung. HS ở chung phòng đông nhưng chỉ có một phòng tắm tập thể, các em cùng tắm trong một phòng. Phòng tắm có một dãy vòi nước để tắm tập thể, không có gì che chắn giữa vòi tắm này với vòi tắm kia.

Nguy cơ khó lường

Chị H.Hoa có con đang học lớp 12 tại Trường Dân lập Thanh Bình cho biết: “Cho con ở nội trú cũng lo lắm, phòng ở đông đúc nên tôi cứ nơm nớp lo lắng hàng ngày, nhất là vào mùa dịch bệnh. Nhà thì ở quê nên lâu lâu mới lên thăm cháu được. Ngày trước thấy trên quảng cáo chỗ ở của trường trông thoáng mát, ít HS chứ không đông như bây giờ”. “Lây nhiễm là chuyện thường cô ơi. Năm ngoái phòng của tụi con bị dính chùm lây nhau bệnh rubella và bệnh sởi đó”, một HS nữ ngồi cạnh chúng tôi cho biết. Một vị quản lý trường này cũng thừa nhận, mỗi năm HS đều tăng, trung bình tăng khoảng 20%, tuy nhiên cơ sở thì không thể mở rộng được.

Thực tế cho thấy, không phải trường ngoài công lập nào cũng có cơ ngơi thuộc sở hữu của mình, đa số đều ký hợp đồng thuê mướn trong vòng 10 đến 20 năm. Vì thế, để mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng mới không phải là chuyện dễ với các trường.

Công bằng mà nói, ở TPHCM hệ thống các trường ngoài công lập có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành, góp phần giảm tải cho các trường công và giải quyết chỗ học cho con em thành phố và các tỉnh. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục cũng cần phải có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ và nhất là có sự quan tâm của ngành giáo dục và các cấp quản lý. Bởi các trường có tổ chức nội trú cho HS thì không chỉ gánh trách nhiệm dạy chữ mà còn lo chỗ ăn ở đảm bảo sự phát triển của các em. Nơi ăn, chỗ ở thoáng mát sạch sẽ thì mới đảm bảo được sức khỏe và chất lượng học tập của các em, tránh việc lây truyền dịch bệnh. Minh chứng cụ thể nhất trong đợt cúm A/H1N1 năm 2009, tại một số trường nội trú, từ một HS nhiễm cúm đã nhanh chóng lây truyền sang hàng chục em HS khác, khiến công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trở nên phức tạp. Chưa kể từ việc quản lý không xuể do HS ở nội trú quá tải, HS bị ức chế tâm lý nên đã có trường hợp HS đánh lộn, đâm chém nhau, dẫn đến nhiều hậu qua đau lòng.

Trao đổi về việc này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương cho biết: “Hiện nay TPHCM có khoảng 70 trường ngoài công lập, trong đó hầu hết đều có tổ chức nội trú cho HS. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về chỗ ở nội trú cho HS. Trong các đợt thanh tra, kiểm tra của ngành chủ yếu chỉ kiểm tra về chuyên môn, nhắc nhở các trường phải đảm bảo điều kiện tối thiểu và đặt vấn đề an toàn cho HS lên hàng đầu mới cho phép các trường tuyển sinh”.

Đã đến lúc cần có quy chế cụ thể về các điều kiện tối thiểu về tổ chức chỗ ở nội trú cho HS khối phổ thông. Bộ GD-ĐT cần phải vào cuộc và ban hành quy chế cụ thể về vấn này, để các trường thực hiện nghiêm chỉnh việc tổ chức nội trú cho HS nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Lê Linh - Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục