TTCK đang diễn biến phức tạp, hàng loạt “cái bẫy” vẫn đang được giăng lên để đón NĐT sơ sẩy.
- Chuyên gia nói hớ
Cuối tháng 7-2010, khi VN Index đang ở mốc 500 điểm, ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành PXP Vietnam Asset Management (PXP), đưa ra dự báo VN Index có thể tăng lên 1.000 điểm trong những tháng cuối năm. Thế nhưng nhìn vào diễn biến của TTCK lúc này, có thể khẳng định dự báo trên có đến 99% trật lất.
Chưa dừng lại ở đó, vị này lại “bồi” thêm nhận định trong vòng 2 năm tới VN Index có thể quay trở lại ngưỡng 1.000 điểm và chỉ ra hàng loạt yếu tố khẳng định TTCK Việt Nam hấp dẫn. Vậy mà quỹ do PXP quản lý thời gian vừa qua bán rất nhiều nhưng mua lại chẳng bao nhiêu. Mới đây PXP vừa công bố bán không được một loạt CP như SSC, GIL, TMS. Nhận định thị trường hấp dẫn, tăng điểm nhưng lại bán ra, động thái quá lộ này cho thấy sự đáng ngờ của PXP. CEO của một công ty quản lý quỹ lớn, có thâm niên trên TTCK Việt Nam lại hành động như vậy không chỉ bản thân và quỹ bị ảnh hưởng, mà cả những NĐTNN khác cũng có thể bị vạ lây.
- NĐT bị “nhát ma”
Đầu tuần rồi, CTCK VN Direct (VND) đưa ra khuyến nghị: “Chúng tôi nghĩ rằng thị trường đang có chút hoảng loạn trong ngắn hạn do tin tức lãi suất và một số tài khoản bị giải chấp... Khảo sát của một số môi giới và NĐT cho thấy áp lực giải chấp là hoàn toàn hiện hữu”. Đến giữa tuần, VND lại tiếp tục nhận định: “Mặc dù nhiều CP đang trong vùng quá bán dưới áp lực giải chấp, NĐT vẫn không có cơ sở để kỳ vọng vào một đợt tăng điểm”.
Như đã biết, áp lực giải chấp là một trong những nguyên nhân khiến thị trường khốn đốn không ít lần trong năm nay. Cho đến bây giờ, không dễ dàng gì xác định được dòng tiền tham gia thị trường có bao nhiêu là vốn tự có, bao nhiêu là đòn bẩy. Nhìn lại những phiên giảm giá trong thời gian qua, rất ít nhận định cho rằng thị trường đang chịu áp lực giải chấp. Không hiểu cuộc khảo sát của VND được thực hiện như thế nào, quy mô tới đâu mà có thể nói thị trường đang chịu áp lực giải chấp. Nhiều NĐT đặt câu hỏi: Có chăng áp lực giải chấp này bắt nguồn từ chính VND nên mới suy bụng ta ra bụng người như vậy? Thiết nghĩ, trong những lúc thị trường cực kỳ nhạy cảm hiện nay, những nhận định đưa ra cần phải được kiểm soát chặt chẽ. NĐT rất dễ bị dao động tâm lý, nếu bị bồi thêm những thông tin kiểu như trên, hậu quả sẽ khó lường.
- Mua đến đâu?
Một số ông chủ của các công ty đã công bố mua vào CP, thoạt nhìn đây có thể là điểm tích cực, vì cho thấy giá CP đang ở mức hấp dẫn. Nhưng xem lại danh sách, số lượng các ông chủ mua vào khá ít, khối lượng đăng ký mua cũng không quá lớn. Bên cạnh đó, đăng ký mua vào là một chuyện, còn có mua thật hay không còn phải chờ. Không thể loại trừ trường hợp các ông chủ chơi đòn gió để tạo sự ổn định về tâm lý cho NĐT. Từ đây, NĐT mua vào và nhờ vậy CP mới tạo đáy chứ nguyên nhân không xuất phát từ các ông chủ. Thực chất các ông chủ vẫn có thể dàn dựng theo kịch bản như sau: Nhờ các cổ đông lớn khác bán, sau đó ra tay mua, nhưng đến khi thị trường lên, lại tiến hành bán ra, trả CP lại. Với động thái này, số tiền bỏ ra không quá nhiều, nhưng kết quả thu được lại rất lớn.
THÁI CA