Bề mặt Hỏa tinh đóng băng từ 4 tỷ năm qua

Bề mặt Hỏa tinh đóng băng từ 4 tỷ năm qua

Các nhà khoa học Mỹ thuộc Viện Công nghệ California và Viện Công nghệ Massachusetts đã bác bỏ quan niệm lâu nay cho rằng nước dạng lỏng đã tồn tại để sự sống có thể phát triển trên sao Hỏa và khẳng định bề mặt sao Hỏa bị đóng băng suốt 4 tỷ năm qua.

Bề mặt Hỏa tinh đóng băng từ 4 tỷ năm qua ảnh 1

Hỏa Tinh (ghép lại từ nhiều ảnh)

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí "Khoa học" của Mỹ số ngày 22-7 cho thấy trong suốt 4 tỷ năm qua, nhiệt độ trên sao Hỏa không đủ ấm để nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng và sao Hỏa chưa bao giờ là môi trường có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự sống phát triển, cho dù sự sống có thể đã bắt đầu trong nửa tỷ năm đầu tiên của sao Hỏa vì nhiệt độ trên hành tinh Đỏ trong khoảng thời gian này còn ấm. Thời gian nước dưới dạng lỏng chỉ tồn tại rất ngắn trên sao Hỏa .

Tuy nhiên, nghiên cứu mới không loại trừ khả năng sự sống có thể đã từ sao Hỏa đến Trái đất thông qua các thiên thạch.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo báo chí của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết vệ tinh không người lái Reconnaissance của NASA dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 10-8 tới. Theo kế hoạch, vệ tinh Reconnaissance sẽ tới quỹ đạo sao Hỏa, hành tinh thứ tư trong Hệ Mặt Trời vào tháng 3-2006.

Reconnaissance sẽ bay trên quỹ đạo cách bề mặt sao Hỏa 300 km, thấp hơn 20% so với quỹ đạo trung bình của ba vệ tinh đang bay quanh Sao Hỏa.

NASA cho biết quỹ đạo thấp sẽ cho phép Reconnaissance thu thập thông tin chi tiết hơn về bề mặt và lớp dưới bề mặt sao Hỏa. Caméra chụp xa của Reconnaissance có khả năng phân biệt được những tảng băng, đá chỉ bằng bàn làm việc trên bề mặt sao Hỏa.

Trong khi đó, loại rađa tiên tiến do Italia chế tạo đặt trên Reconnaissance sẽ cho phép thu thập thông tin về lớp đá, băng và có thể cả nước ở tầng dưới bề mặt sao Hỏa.

L.D (Theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục