Sau 5 năm triển khai đề án phát triển nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay cả nước có 6 nhà máy sản xuất ethanol đạt tiêu chuẩn để pha xăng sinh học (xăng E5). Tuy nhiên, hiện các nhà máy đều trong tình trạng “hấp hối”.
E5 tắc đầu ra
Theo Bộ Công thương, tính đến nay trên cả nước đã có 6 nhà máy ethanol sinh học đang sản xuất được ethanol từ nguyên liệu sắn lát khô có nồng độ 99,5% đạt tiêu chuẩn để pha xăng sinh học. Sản phẩm của các công ty tiêu thụ trong nước khoảng 20% để phối trộn xăng E5 (được pha trộn theo tỷ lệ 5% ethanol với 95% xăng RON 92 không chì) và bán theo hệ thống phân phối của Tập đoàn Dầu khí và Công ty Sài gòn Petro, phần còn lại xuất khẩu ở dạng 99,5% và 96% ethanol.
Đáng chú ý, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp đã đầu tư để đáp ứng chạy 100% công suất, nhưng đều đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng. Riêng nhà máy sản xuất ethanol (Công ty Đại Việt) có công suất thiết kế 70 triệu lít/năm cũng chỉ chạy khoảng 35% công suất thiết kế. Sản phẩm đầu ra tiêu thụ trong nước chỉ đạt 20% để pha trộn xăng E5 và bán theo hệ thống của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Sài Gòn Petro; 80% còn lại xuất khẩu cho các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines ở dạng 99,5% và 96% ethanol, nhưng do chi phí xuất khẩu tăng cao nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 175 cửa hàng bán xăng E5 tại 34 tỉnh, thành phố chủ yếu thuộc hệ thống của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong số này chỉ có 3/10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tham gia triển khai kinh doanh xăng E5 với quy mô nhỏ lẻ. Tổng lượng xăng E5 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cung cấp ra thị trường chỉ khoảng 22.000m³, nếu tính theo lượng sản phẩm E100 chỉ bằng 1,1% công suất sản xuất của một nhà máy ethanol.
Theo ông Nguyễn Duyên Cường, Phó Trưởng ban Thương mại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam đối với xăng E5 còn thấp, sản lượng mỗi năm chỉ khoảng 40.000m3. Do đó, đơn vị đang phải cân đối lại hoạt động sản xuất nhà máy, ngoài việc phục vụ thị trường trong nước, dự kiến sẽ có kế hoạch cho xuất khẩu.
Cần “bàn tay” Chính phủ
Theo Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công thương Nguyễn Phú Cường, do khó khăn về thị trường tiêu thụ trong nước, các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, không đủ bù chi phí. Từ đó, dẫn đến nhiều nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hoạt động cầm chừng với công suất khoảng 20%, thậm chí phải ngừng sản xuất và dự định rút khỏi dự án như trường hợp của Itochu (Nhật Bản). Bên cạnh đó, ngoài lý do giá thành sản xuất còn cao, tốc độ phát triển mạng lưới phân phối còn chậm, không đáp ứng được tốc độ phát triển của các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng vẫn còn ít thông tin về ưu điểm của xăng E5 và vẫn ưu tiên lựa chọn nhiên liệu truyền thống. Điều này đã gây trở ngại nhiều cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Còn theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân tác động đến tốc độ phát triển mạng lưới phân phối chưa xứng tầm là do các doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo, bổ sung một số thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ phân phối xăng E5 nhưng không được hưởng các chính sách ưu đãi như các dự án sản xuất.
Trước thực trạng khó khăn trên, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành cho rằng, để giải bài toán cân đối nguồn cung cầu trong sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học được hài hòa, Chính phủ nên có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu, mạng lưới phân phối. Hỗ trợ các chương trình nghiên cứu giống sắn chất lượng cao, hỗ trợ giá cho bà con nông dân tăng thu nhập, yên tâm sản xuất, từ đó mới đảm bảo nguồn nguyên liệu để cung cấp ổn định cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học.
Mặt khác, để thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học thuận lợi, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của sử dụng xăng E5 và nhiên liệu sinh học cần được lồng ghép vào chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để mang lại hiệu ứng tốt nhất với xã hội. Đồng thời, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn lớn về tài chính.
Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào nhiên liệu sinh học như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5). Hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra cho E100 của các nhà máy nhiên liệu sinh học và tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng E100, nhằm bảo hộ thị trường sản xuất trong nước.
Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể giảm được chi phí giá thành, thành phẩm, nhằm cung cấp cho thị trường một mức giá hợp lý.
Ngày 22-11-2012, Thủ tướng ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, từ ngày 1-12-2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, TP lớn, gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu phải là xăng E5. Từ ngày 1-12-2015, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc phải là xăng E5. Còn xăng sinh học E10 sẽ được sử dụng tại 7 tỉnh, TP từ ngày 1-12-2016 và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1-12-2017. |
LẠC PHONG - THẢO TIÊN