24-11 là thời hạn chót để đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và nhóm P5+1 (Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức) nhưng hy vọng thành công vẫn còn mong manh khi còn nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Giới chuyên gia cho rằng các bên chỉ có thể đạt được một thỏa thuận tiếp tục kéo dài thời hạn đàm phán để tránh sự thất bại không mong muốn.
Trang tin IPS nhận định, một trong những rào cản lớn của thỏa thuận là tại Trung Đông. Hai quốc gia đang ráo riết vận động ngăn cản thỏa thuận sớm được thông qua là Israel và Saudi Arabia. Theo ông Robert E. Hunter, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, nỗi sợ của Israel bắt nguồn từ việc Mỹ có thể cài đặt lại quan hệ với Iran - quốc gia được ví như “quả bom nổ chậm” tại Trung Đông vì sở hữu khối lượng hạt nhân lớn. Israel lo rằng Iran có thể sử dụng hạt nhân làm vũ khí để chống trả lại quốc gia Do Thái. Còn về phía Saudi Arabia, nước này đã gây sức ép với Pháp, đe dọa chấm dứt hợp đồng mua vũ khí của Pháp nếu Pháp ký một thỏa thuận với Iran. Saudi Arabia cho rằng thỏa thuận chỉ tạo điều kiện để Iran gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông đến những quốc gia như Lebanon hay Bahrain. Hơn nữa, việc Iran được phép tăng cường xuất khẩu dầu mỏ sẽ cạnh tranh trực tiếp với lợi ích của Saudi Arabia trên thế giới.
Theo ông Fawaz Gerges, giáo sư về chính trị Trung Đông tại Trường Kinh tế London, việc nối lại quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ vẽ lại bản đồ địa chiến lược ở Trung Đông. Việc đưa Iran trở lại cộng đồng quốc tế sau nhiều năm bị cô lập sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 cho thấy Mỹ đã tính toán kỹ lưỡng đến cả an ninh và ổn định khu vực lẫn lợi ích quốc gia, bất chấp sự phật ý của cả Israel và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Tổng thống Obama còn phải đối mặt với các nghị sị Quốc hội luôn thể hiện quan điểm cứng rắn với Iran, không tán thành thái độ “mềm yếu” của chính quyền Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Tehran. Việc thuyết phục Quốc hội mới do đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát có cùng quan điểm về lợi ích là điều rất khó khăn với ông Obama.
Thêm một trở ngại lớn nữa là hiện Iran và nhóm P5+1 vẫn bất đồng trong hai vấn đề: hoạt động làm giàu uranium của Iran và tốc độ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Tehran. Đề xuất của Mỹ là kêu gọi Iran giảm số máy làm giàu uranium từ 19.000 xuống 4.500, nhưng phía Iran từ chối. Thái độ này khiến phương Tây lo sợ Tehran có thể sẽ tích lũy đủ số lượng vật liệu chế tạo một quả bom nguyên tử. Trong khi đó, tại Iran, chương trình hạt nhân từ lâu vẫn được coi nguồn khích lệ tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của người dân, củng cố niềm tin với chính quyền. Nếu như thỏa thuận hạt nhân được ký kết, Thủ tướng Iran Rouhani sẽ phải nỗ lực thuyết phục rằng, kết quả này là một chiến thắng phù hợp với cuộc đấu tranh của chính quyền Tehran.
Dù vậy, vẫn có một số nhà bình luận tỏ ra lạc quan về thỏa thuận, bởi theo họ bất kỳ động thái nào giúp giảm căng thẳng ở khu vực cũng đều được hoan nghênh. Việc đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện không chỉ giúp khép lại 35 năm căng thẳng mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Mỹ và Iran trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, đảm bảo tiến trình chuyển tiếp thành công tại Afghanistan, khôi phục ổn định tại Lebanon và Yemen.
THANH HẰNG