
Bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ là nơi ra vào neo đậu an toàn của hàng trăm tàu thuyền các loại mỗi khi biển động, thiên tai. Tuy nhiên, bến đưa vào sử dụng chỉ trong thời gian ngắn và chưa được bàn giao, nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, gây cản trở hoạt động đi biển...
Dự án hơn 152,4 tỷ đồng
Dự án bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 152,4 tỷ đồng.
Mục tiêu xây dựng bến nhằm đảm bảo cho đội tàu cá của thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi (thôn vừa giao đất cho Dự án Formosa để chuyển đến khu tái định cư mới ở phường Kỳ Phương và xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) và các địa phương lân cận. Theo thiết kế, quy mô diện tích bến là 9ha (phần lòng bến 6,34ha), với số lượng hiện tại 336 tàu, có thể neo đậu an toàn trong điều kiện bão cấp 12, giật trên cấp 13; đồng thời phục vụ nhân dân các dịch vụ, đưa sản phẩm đánh bắt lên bờ an toàn. Đối với các tàu nhỏ 20CV có thể neo đậu hoặc kéo lên bãi cát... Thế nhưng, sau khi đưa vào hoạt động chưa được bao lâu đã bộc lộ hàng loạt bất cập khiến ngư dân bất bình, phản đối.
Có mặt tại bến neo đậu tàu thuyền nghề cá phường Kỳ Phương, bà Mai Thị Thanh (58 tuổi, ở thôn Đông Yên) cho biết, từ bao đời nay ngư dân Đông Yên chủ yếu sống dựa vào nghề đi biển. Sau khi lên khu tái định cư cũng thấy phấn khởi vì được quan tâm xây dựng bến âu thuyền mới. Tuy nhiên, do thiết kế quy hoạch không phù hợp nên hiện nay bến đang gây rất nhiều khó khăn cho ngư dân, như hệ thống bờ kè đá chân kiềng chắn sóng của bến xây dựng quá gần bờ tại địa hình cồn cạn, cửa ra vào âu thuyền vừa cạn lại chật hẹp; mặt khác, cát từ trong đất liền và cát từ ngoài biển bị sóng đánh tấp vào khiến khu vực cửa bến và trong bến bị bồi lấp mạnh. Mỗi khi biển động, gió to là tàu thuyền không ra vào neo đậu được, phải đi ngược nhiều cây số lên cảng Vũng Áng, cảng Formosa, Cửa Sót…, hoặc sang Quảng Bình để trú ẩn.

Bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương đang bị cát bồi lấp nghiêm trọng
Các ngư dân Mai Xuân Nghiêm, Mai Ngọc Tân, Mai Mục, Mai Thị Tài… (đều ở thôn Đông Yên) có chung nhận định, dù được thiết kế tàu thuyền hoạt động trong bến an toàn khi có gió cấp 6, sóng cấp 5 và bão cấp 12, giật trên cấp 13, nhưng khi đưa bến vào sử dụng, chỉ cần sóng và gió cấp 3-4 là tàu thuyền đã không vào đây trú ẩn được vì sẽ vướng phải cồn cát làm gãy chân vịt. Đặc biệt, mỗi khi biển động, sóng từ ngoài biển bổ vào mạnh, kết hợp với sóng từ trong bến dập ra khiến tàu thuyền rất dễ bị đánh chìm… Vì vậy, kiến nghị cơ quan chức năng cần chuyển mũi kè đá chắn sóng của bến ra phía ngoài biển khoảng 200 - 400m, mở rộng cửa ra vào âu thêm hơn 100m, nạo vét cát ở trong bến, xây dựng tuyến bờ đê chắn cát ngăn không cho cát từ trên đất liền tiếp tục tràn xuống lấp bến…
Trong năm 2015, đã có nhiều tàu thuyền ở thôn Đông Yên bị sóng đánh chìm ngay trước cửa bến neo đậu, có trường hợp dẫn đến chết người như ngày 23-12-2015, thuyền của ông Nguyễn Trọng Thỏa, ở thôn Đông Yên, đang trên đường vào bến thì chân vịt vướng vào cồn cạn bị gãy và bị sóng đánh chìm, phải hơn 12 ngày sau mới tìm được thi thể đưa về nhà mai táng…
Được biết, hiện đội tàu thuyền của ngư dân xã Kỳ Lợi và một số vùng lân cận có trên 500 chiếc; trong khi đó, nếu bến neo đậu tàu thuyền tại phường Kỳ Phương được nạo vét cũng khó đáp ứng hết nhu cầu neo đậu. Do tình trạng cát đã bồi lấp hơn 1/3 nên chỉ chứa được khoảng 100 tàu thuyền. Trước khi bến được xây dựng, một số ngư dân đã đề xuất với Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng nên quy hoạch xây dựng bến tại vị trí cửa lạch ngâm gần đó, nhưng không được chấp thuận và sau đó lại chọn tại vị trí cồn cạn hiện tại. Khi dự án triển khai thấy quy mô nhỏ, ngư dân tiếp tục đề xuất nên xê dịch hệ thống kè đá chân kiềng ra xa hơn khoảng 500m và phải nạo vét cồn ngầm ở đó để đảm bảo an toàn và đáp ứng đủ cho số lượng tàu thuyền ra vào neo đậu trong bến, nhưng cũng không được chấp thuận…
Một cán bộ Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, hiện nay công trình bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương đã hoàn thành khối lượng công việc nhưng chưa bàn giao nên đơn vị thi công vẫn phải chịu trách nhiệm. Hiện ban quản lý đang mời các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, cùng với chủ đầu tư và nhà thầu xem xét lại những phần nào đã làm, xem phần nào bị bồi lắng để xác định rõ nguyên nhân, phương hướng khắc phục...
| |
DƯƠNG QUANG