Ngày 21-12, rất đông hành khách đến Bến xe miền Đông (TPHCM) mua trước vé xe đò tết tập trung chủ yếu các doanh nghiệp xe khách thương hiệu. Lợi dụng việc khan hiếm xe thương hiệu, Công ty TNHH VT Hoàng Long bán vé cao hơn giá kê khai với bến, đồng thời tự in vé bán cho hành khách mà không xuất hóa đơn, bán vé tết nhưng không niêm yết giá vé kê khai.
Săn lùng vé thương hiệu
Vào những ngày này, nhiều người dân không mua được vé tàu, vé máy bay, để không rơi vào tình cảnh nhồi nhét, phần lớn hành khách chọn xe thương hiệu của các hãng như Mai Linh, Phương Trang, Thuận Thảo, Hoàng Long, Chín Nghĩa, Bình Tâm… dù giá vé các loại xe này chênh lệch khá cao so ngày thường.
Sáng sớm 21-12, hành khách đã tập trung trước các quầy bán vé của các doanh nghiệp vận tải thương hiệu (xe chất lượng cao) như Bình Tâm, Thuận Thảo, Hoàng Long… để mua vé. Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đã dán thông báo hết vé đi vào những ngày cao điểm tết đối với một số tuyến từ TPHCM đi Quảng Ngãi, TPHCM - Phú Yên, TPHCM - Tây Nguyên... Thậm chí với vé đi ngày 20-12 Âm lịch, nhiều DN cũng thông báo không còn vé. Nhiều hành khách do không mua được vé xe nên phải chờ xe tăng cường như lời hứa của các DN, nhất là các tuyến đi Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... Nhiều người cho rằng, các đơn vị vận tải không muốn bán vé những ngày cận tết, nhất là 5 ngày sát tết để họ tăng giá vé cao hơn giá công bố bán thực tế như hiện nay!
“Móc ruột” hành khách
Những DN bán vé, giá vé xe chất lượng cao đi các tỉnh miền Trung xuất phát tại Bến xe miền Đông đã đồng loạt tăng giá với mức tăng cao nhất, lên đến gấp đôi so với ngày thường. Một trong những DN làm giá và liên tục nâng giá vé lên trong những ngày gần đây là Công ty TNHH VT Hoàng Long. Cụ thể, ngày 5-12, công ty này có bảng kê khai giá cước (bảng điều chỉnh giá cước) như sau: Hà Nội - TPHCM và ngược lại giá vé từ 650.000 đồng/vé tăng lên 720.000 đồng/vé, tuyến Hải Phòng - TPHCM và ngược lại từ 680.000 đồng/vé tăng lên 750.000 đồng/vé, tuyến TPHCM - Thanh Hóa và ngược lại từ 600.000 đồng/vé tăng 670.000 đồng/vé, TPHCM - Nghệ An và ngược lại từ 580.000 đồng/vé tăng 630.000 đồng/vé, TPHCM - Hà Nội (ghế ngồi) từ 480.000 đồng/vé tăng lên 590.000 đồng/vé… 3 ngày sau đó (tức ngày 8-12) lại tiếp tục kê khai nâng giá vé có hiệu lực từ ngày 18-1-2011: Hà Nội - TPHCM (từ 720.000 đồng/vé tăng lên 850.000 đồng/vé), Hải Phòng - TPHCM (từ 750.000 đồng/vé lên 880.000 đồng/vé), Hải Phòng - Vũng Tàu (từ 750.000 đồng/vé tăng lên 880.000 đồng) TPHCM - Hải Dương (từ 720.000 đồng/vé tăng lên 850.000 đồng/vé)…
Cũng trong ngày này, Hoàng Long tiếp tục gửi văn bản xin Sở Tài chính TP, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, Sở GTVT TPHCM tiếp tục tăng giá vé: cụ thể, tuyến TPHCM - Hà Nội từ 850.000 đồng/vé tăng lên 1.190.000 đồng/vé, TPHCM - Hải Phòng từ 880.000 tăng 1.190.000 đồng/vé, TPHCM - Thanh Hóa từ 790.000 tăng 1.190.000 đồng/vé… Rồi từ bảng giá này tiếp tục phụ thu 60% giá vé nữa khi bán vé tết. Một điều đáng nói, ngày 21-12, tại phòng vé của doanh nghiệp Hoàng Long (Bến xe miền Đông), đơn vị này chưa niêm yết giá bán vé tết nhưng đã bán vé cho hành khách.
Phóng viên Báo SGGP đã phát hiện điều này và báo Ban Giám đốc Bến xe miền Đông. Ban giám đốc bến xe điều tra xác minh đã phát hiện DN này tự in vé, bán vé không xuất hóa đơn, bán giá cao hơn giá niêm yết (1.290.000 đồng/vé). Sau đó bến đã lập biên bản vi phạm các nội dung: DN bán vé không niêm yết giá vé bán ngày tết, bán vé quá giá so với bảng giá kê khai, bán vé không xuất hóa đơn cho hành khách.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho rằng, sau khi lập biên bản bến sẽ báo cáo vụ việc cho các ngành chức năng xử lý. “Hoàng Long là đơn vị làm ăn lôi thôi nhất tại bến trong nhiều năm qua, làm mất uy tín Bến xe miền Đông” - ông Hải nói.
Dịp tết năm rồi, một số DN “thổi” giá vé lên gấp đôi trong đó có đơn vị Hoàng Long, thế nhưng chỉ bị tạm dừng việc bán vé tại quầy bán vé ở Bến xe miền Đông trong vài ngày chứ không hề bị một cơ quan chức năng nào xử phạt. Ông Thượng Thanh Hải cho biết, theo cơ chế thị trường, các DN làm thủ tục kê khai, niêm yết lại giá mới theo đúng quy định thì được bán. Theo quy định, các hãng xe có quyền tự quyết định giá vé. Khi tăng, giảm giá, nhà xe chỉ kê khai giá mới cho Sở Tài chính, Sở GTVT, Cục Thuế. Bến chỉ ghi nhận nhà xe có “báo cáo” chứ không được quyền can thiệp vào mức giá doanh nghiệp đã kê khai. Chỉ khi nhà xe thay đổi giá mà không thực hiện việc kê khai lại và bán vé cao hơn mức niêm yết thì mới vi phạm. Hiện không có quy định giới hạn mức tăng giá vé xe đò, bất kể là cao điểm hay ngày thường, đồng thời cũng không có quy định xử lý khi DN vận tải tăng giá vé quá cao. Tóm lại, hiện nay các hãng xe có quyền tăng giá vé xe đò bao nhiêu thì tăng miễn là có bảng kê khai giá cước!?
Tăng 1.600 chuyến xe buýt dịp Tết Dương lịch Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Dương lịch 2011, kể từ ngày 1-1 đến hết ngày 3-1-2011, dự kiến sẽ tăng chuyến trên 31 tuyến xe buýt với tổng số gần 1.600 chuyến. Theo đó, các tuyến được dự báo có lượng hành khách đi lại trong dịp Tết Dương lịch đông và phải tăng chuyến như: Sài Gòn - chợ Bình Tây, Bến xe Chợ Lớn - Ngã ba Giòng, Bến xe miền Đông - Hóc Môn, Bến xe An Sương - Đền Hùng, Bến xe An Sương - Tân Quy, Bến xe Chợ Lớn - Tân Vạn… |
Q.Hùng – Q.Thoa