Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) năm 2013, số người Việt Nam đi du lịch nội địa là 35.000.000 lượt (tăng 7,7% so với năm 2012).
“Mục tiêu đặt ra của ngành du lịch năm 2014 là đón từ 8 triệu đến 8,2 triệu lượt khách quốc tế và 37,5 triệu khách trong nước, tổng thu khoảng 240.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với hàng loạt giải pháp triển khai thời gian qua, tôi nghĩ rằng ngành du lịch sẽ vượt kế hoạch đề ra...”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết.
Khách lười
Một trong những giải pháp mà ông Cường nhắc ở trên là chiến dịch kích cầu du lịch nội địa với khẩu hiệu: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam/ Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Thực tế, khá đông người Việt Nam có nhu cầu đi du lịch nội địa, nhưng cái sự đi của khách, việc mời của chủ cũng lắm đoạn trường.
Ai đọc truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đều nhớ một chi tiết, muốn Tôn Ngộ Không bớt kiêu ngạo, Phật tổ Như Lai thách con khỉ có 72 phép thần thông quảng đại bay qua được bàn tay của ngài. Dễ ợt, khỉ già cười khanh khách rồi dùng phép cân đẩu vân. Vượt được núi non hiểm trở hay sông dài biển rộng nào, khỉ già cũng dừng lại tè rồi kiêu ngạo viết dòng chữ “Tôn Ngộ Không từng đến đây”. Thế mà, cuối cùng hóa ra hắn vẫn chưa bay khỏi lòng bàn tay Phật tổ Như Lai…
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi cứ hay đùa về cái “bệnh” của nhiều người Việt Nam đi đến đâu cũng nhăm nhăm tạo dáng trước di tích, danh thắng, nhờ người khác chụp cho mấy kiểu ảnh là thỏa mãn, rằng đó là chứng bệnh Tôn Ngộ Không đã từng đến đây. Nhiều người khoe đã du lịch chỗ này chỗ kia nhưng khi hỏi về cảnh và người nơi ấy thì không có thông tin gì sâu sắc. Cả một chuyến đi mà không gặp được một người để nhớ, không hiểu được một phong vật của vùng đất thì dẫu có đến đó hàng ngàn lần cũng uổng công. Một “bệnh” nữa của du khách Việt là mỗi khi đến đâu cũng muốn như ở nhà. Anh Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Viet Family Homestay, chia sẻ: “Làm hướng dẫn viên 15 năm nay, tôi thấy nhiều du khách Việt rất ngại trải nghiệm, khám phá. Ở giữa rừng Cúc Phương họ cũng đòi tắm nước nóng; lên với đồng bào Thái ở Pù Luông họ đòi ăn sáng bằng phở bò, bánh mì ốp la; đi chợ của người Mông ở Hà Giang tôi mời ăn thắng cố thì có người lè lưỡi chê bẩn rồi khạc nhổ phì phì… Du lịch mà không “ba cùng” với dân bản địa thì ở nhà cho xong”.
Đến Sơn La, du khách ít được tiếp cận nhà sàn của người dân (ảnh trên), phần lớn được xem nhà sàn của Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La ở giữa bản Hụm (ảnh dưới).
Anh Phan Cao Nhật Anh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, tranh thủ thời gian rảnh làm hướng dẫn viên du lịch kể, 6 năm qua anh chỉ 1 lộ trình: đón khách ở sân bay Nội Bài, đưa xuống tham quan vịnh Hạ Long, ngủ một đêm trên tàu, hôm sau về lại Hà Nội xem múa rối nước, đi chợ Đồng Xuân, ăn tối rồi đưa khách ra sân bay Nội Bài, chia tay.
Anh Trần Ngọc Tiến, hướng dẫn viên Công ty du lịch Ngôi sao, bảo rằng, lúc mình muốn chia sẻ mà khách thờ ơ thì như bị dội một gáo nước lạnh: “Để tạo hứng thú cho khách trong những tour du khảo đồng quê, chúng tôi thường chia đội để khách thi bắt cá (đánh dậm, tát ao, quăng chài). Khách nước ngoài hào hứng tranh đua vui vẻ, nhưng khách nội địa lại so bì, nhiều khi cãi nhau để tranh thắng bại. Mình bày ra trò chơi để mọi người cùng trải nghiệm, cùng vui nhiều khi lại gây ra mất đoàn kết”.
“Cò” quay
Cả năm mới gặp lại, tôi hỏi ông Mạc Văn Nghiêm, chủ cơ sở rượu sim Bảy Gáo, xem ông làm nghề rượu sim Phú Quốc làm ăn thế nào. Ông Mạc Văn Nghiêm than: “Năm trước không có mà bán, năm nay lại ít người mua”. Hóa ra, năm trước ông bán chạy hàng quá, hai tháng cuối không có rượu bán cho khách. Hướng dẫn viên đành dẫn khách sang các cơ sở khác. Các đối thủ nắm ngay lấy cơ hội vàng, chiết khấu cho hướng dẫn viên đến 30% giá trị hóa đơn của khách (gấp ba lần số tiền họ nhận được từ cơ sở rượu sim Bảy Gáo). Thế là từ đó họ xa dần ông cơ sở rượu của ông. Hỏi ông Mạc Văn Nghiêm sao không dùng chiêu phá giá như họ, ông cười buồn: “Đâu được. Muốn hạ giá thì phải bớt sim, đường, rượu ngon, dùng hương liệu, pha cồn. Bao năm nay mình làm ăn tử tế rồi, gian dối làm gì cho tội”.
Cái bệnh cứ nhắm vào tiền hoa hồng của nhiều người điều hành, hướng dẫn viên thiếu lương tâm từ lâu đã góp phần làm giảm chất lượng của ngành du lịch Việt Nam. Đọc chương trình tour của nhiều công ty đến 5 năm, 10 năm tôi vẫn thấy địa chỉ nhà hàng, nơi mua sắm, khách sạn… y như cũ, nguyên cớ đều nằm ở chỗ khấu trừ phần trăm mà ra.
Ông Bùi Hoàng Sang, một khách du lịch vừa đi tour TPHCM - Siem Riep - Pnom Penh (Campuchia) qua một công ty du lịch Việt Nam, than thở: “Đi như chạy, ăn như cướp, nói như máy. Du khách chậm một chút là bị hướng dẫn viên cáu gắt. Ở những điểm mua sắm thì khách chờ phát chán họ không đi cho”.
Cứng nhắc
Chúng tôi đến bản Hụm (xã Chiềng Xôm, Sơn La) để khám phá một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng tại đây. Chúng tôi ghé vào nhà ông Quàng Văn Phóng đề nghị được ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà sàn của gia đình. Nhưng ông Phóng bảo, theo quy định khách phải ra nhà sàn văn hóa của bản rồi đội văn nghệ phục vụ ăn uống, múa hát giao lưu. Số tiền thu được của khách sau khi trừ chi phí, các thành viên mới được chia nhau, trích lập quỹ của bản. Đến bản Bó (Chiềng An, Sơn La) cũng vậy, vào nhà người dân nào hỏi chúng tôi cũng đều được chỉ ra quán ở đầu bản. Tỉnh Sơn La lựa chọn 10 bản tiêu biểu ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La, Quỳnh Nhai và TP Sơn La để làm du lịch cộng đồng, lập đề án “Phát triển sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La phục vụ phát triển du lịch”. Nhưng theo bà Phạm Thị Hồng Trinh, Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La, đề án chỉ mới được lập, chưa biết bao giờ triển khai.
Du lịch cộng đồng đang là thị hiếu của nhiều địa phương, nhưng đáng tiếc, nhiều nơi chỉ bày ra cho có chứ làm thì sai. Thêm một thực tế đáng buồn là người dân - chủ nhân của du lịch cộng đồng - được hưởng lợi rất ít. Hầu hết các hộ dân làm du lịch cộng đồng phụ thuộc vào hướng dẫn viên của doanh nghiệp lữ hành. Nếu hộ dân nào chịu chi cho hướng dẫn viên thì hộ dân đó mới đón được khách, bán được sản phẩm lưu niệm. Theo thống kê, cùng một mô hình như nhau, nhưng du lịch cộng đồng tại Kenia, Nepal, người dân được hưởng đến 70% nguồn thu; còn ở Việt Nam, con số này mới chỉ 20% - 30%.
Đề cao giá trị văn hóa
Theo khảo sát của chuyên gia Tổ chức Du lịch thế giới, những năm gần đây, hầu hết các quốc gia, điểm đến, nhất là những nước có ngành du lịch đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang từng bước điều chỉnh định hướng chiến lược sản phẩm, tập trung quan tâm đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch văn hóa, một loại hình sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn và tính trường tồn cao, đó là nhân tố thiết yếu góp phần đáng kể cho sự nghiệp phát triển bền vững. Ở Việt Nam, phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa lịch sử đã được khẳng định rõ trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch tới năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo thạc sĩ Phạm Quang Hưng: Du lịch văn hóa phổ biến là sự tìm kiếm và trải nghiệm của du khách đối với các lĩnh vực văn hóa, như: nghệ thuật trưng bày tranh ảnh, điện ảnh, các phim trường, biểu diễn nghệ thuật; các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, sự kiện, lễ nghi; các di sản vật thể như các quần thể kiến trúc văn hóa, các tòa nhà cổ kính, bảo tàng, thư viện; các di sản phi vật thể như nét văn hóa bản địa, các làng nghề truyền thống, lối sống, ẩm thực, tín ngưỡng và những giá trị khác. Bên cạnh đó, du lịch văn hóa còn bao gồm cả những hoạt động liên quan tới xây dựng, quản lý và phát triển chúng như bảo tồn các di sản, nghiên cứu, xây dựng tư liệu, đánh giá các giá trị văn hóa và lịch sử, thuyết minh về văn hóa, quản lý các điểm di sản, quản lý lễ hội và sự kiện, bảo tồn di sản, khảo cổ và kiến trúc, đầu tư và xúc tiến quảng bá.
Thực tế cho thấy, có ba cách thức chủ yếu, mang lại hiệu ứng quảng bá cao, có thể tạo cho du khách nhiều ấn tượng và cảm nhận sâu sắc hơn đối với loại hình sản phẩm này là: tái hiện, mô phỏng và thuyết minh sản phẩm. Thực tế cho thấy, một số quốc gia nằm gần nước ta như: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia... rất thành công trong việc phát triển du lịch văn hóa gắn với hoạt động sáng tạo, quan tâm và đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng đồng bộ ba phương thức trên trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh điểm đến thông qua các sản phẩm du lịch văn hóa như các làng nghề truyền thống, bảo tàng văn hóa, lịch sử, ẩm thực… Đây là những sản phẩm du lịch có tính nghệ thuật sáng tạo cao và sức thu hút rất lớn đối với du khách.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG