Bệnh dịch gia tăng

Trẻ em đua nhau vô viện
Bệnh dịch gia tăng

Mặc dù chưa phải cao điểm mùa hè nhưng thời tiết nắng nóng vừa qua tại TPHCM đã khiến nhiều trẻ nhỏ, người già xuống sức, nhập viện. Bên cạnh các bệnh dịch như sởi, tay chân miệng, thủy đậu chưa có dấu hiệu giảm thì các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy cũng đang… vào mùa.

Vạ vật chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Vạ vật chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trẻ em đua nhau vô viện

Mới sáng sớm ngày đầu tuần, các khu khám bệnh từ khám bảo hiểm y tế đến khu khám dịch vụ của Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM đã đông nghẹt trẻ được bố mẹ bồng bế chờ khám.

Bà Lê Thị Phụng, ngụ quận 7, TPHCM, ôm đứa cháu 2 tuổi chờ đến lượt khám nói: “Hôm qua mới đưa cháu đi khám, bác sĩ bảo bị viêm phế quản nặng, cho thuốc uống nhưng nói hôm nay phải tái khám luôn chứ không được chủ quan”. Nhìn sổ khám có gắn số thứ tự lên tới 104, bà Phụng ngán ngẩm vì chắc phải đợi đến trưa mới đến lượt.

Chị Hoàng Thanh Ngoan, ngụ quận Thủ Đức cũng đang chờ đến lượt khám cho cô con gái 3 tuổi, than thở: “Cháu bị ho, sổ mũi cả tuần nay. Hôm nay tái khám vì vẫn chưa hết”. Con chị Ngoan cũng được chẩn đoán viêm phế quản cấp và đã được bác sĩ kê nhiều loại thuốc, nào là Fosty (Cefuroxume 125mg), Solupred 20mg, Salbumol 2mg, Prospan cough Syrup 70ml…

Theo các bác sĩ, 2 tuần qua trẻ đến khám và nhập viện tăng hơn nhiều so với các tuần trước, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Thống kê sơ bộ cho thấy mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 khám và điều trị 3.500 - 4.000 bệnh nhi. Do bệnh nhân đông nên tình trạng chen chúc ở các phòng khám rất ngột ngạt, còn ở các khoa, trại thì bệnh nhi phải nằm ghép chung giường… Bên cạnh đó, các bệnh dịch tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết, thủy đậu vẫn chưa giảm.

Theo BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ mắc tay chân miệng nằm điều trị tại khoa Nhiễm cũng lên tới 40 bé, số ca mắc sởi điều trị nội trú lên tới 60 trường hợp. Trong khi đó, tại khoa hô hấp cũng luôn quá tải khi số trẻ điều trị nội trú lên tới gần 200 cháu, chủ yếu mắc các loại bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí đã có nhiều trẻ bị hen suyễn phải thở bằng áp lực dương.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho thấy khoảng 4.500 - 5.000 trẻ đến khám mỗi ngày, phần lớn mắc các loại bệnh tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi. Không những vậy, các bệnh như viêm màng não cũng bắt đầu vào mùa, nhất là viêm não Nhật Bản.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết các bệnh dịch sởi, tay chân miệng vẫn chưa giảm đáng kể khi số ca mắc mới nhập viện mỗi ngày trung bình từ 20 - 30 cháu. Có khá nhiều cháu bị mắc tay chân miệng tái đi tái lại nhiều lần bởi bệnh này chưa có miễn dịch cũng như vaccine mặc dù đây là căn bệnh khá nguy hiểm.

Người già cũng ngắc ngoải

Trong khi đó, người già, người lớn tuổi bị cao huyết áp cũng vật vã với thời tiết nắng nóng. Hầu hết đều có biểu hiện chung là mệt mỏi, biếng ăn, khó ngủ. Nhiều trường hợp rơi vào bệnh lý mãn tính như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp…

Bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết trong 2 tuần qua số người già nhập viện gia tăng, trong đó chủ yếu suy nhược, huyết áp. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày có tới gần 500 lượt bệnh nhân cao tuổi đến khám các bệnh có liên quan đến thời tiết nắng nóng. Bác sĩ Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị mạch máu - đột quỵ của bệnh viện, cho biết số bệnh nhân bị tai biến cũng gia tăng. Thường những lúc thay đổi thời tiết như nắng nóng hay lạnh giá thì số ca đột quỵ, tai biến tăng lên.

Khoa Y tế cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng cảnh báo các loại bệnh về mắt, hô hấp, tiêu chảy, da liễu do nước hồ bơi cũng đang gia tăng bởi lượng người đi bơi quá đông, nước hồ bơi nhiễm khuẩn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nguyên tắc phòng bệnh cho trẻ phải chú ý vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là ăn chín uống sôi.

Theo BS Trần Anh Tuấn, khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2, trời nắng nóng nên các bậc phụ huynh thường cho trẻ ngủ điều hòa, uống nước đá lạnh nhiều nên nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao… Đối với người già, người có bệnh lý mạn tính thường nắng nóng khiến bệnh nhân dễ tăng huyết áp, suy nhược cơ thể… Các bác sĩ khuyến cáo các cụ lớn tuổi nên bổ sung nước, vitamin C, ăn uống đầy đủ để đề kháng với thời tiết khắc nghiệt. Để phòng tránh bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, người lớn tuổi nên có chế độ làm việc vừa phải, tránh căng thẳng và ở nhiều giờ ngoài trời.

Đã có vaccine thủy đậu, sởi - quai bị - rubella dịch vụ

Ngày 12-5, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, Khoa Tiêm ngừa Viện Pasteur TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết đã có vaccine thủy đậu, sởi - quai bị - rubella chích dịch vụ trở lại. Ngay sau khi thông báo có vaccine thủy đậu trở lại, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đã có cả trăm lượt phụ huynh đưa con em đến chích nhằm phòng tránh bệnh dịch này đang vào mùa.

Phát thuốc sát khuẩn đến nhà trẻ, trường học

Trước tình hình bệnh dịch mùa nóng gia tăng, ngày 12-5, Sở Y tế TPHCM cho biết bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã ban hành kế hoạch thành lập 4 đoàn kiểm tra dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi ở tất cả 24 quận, huyện của TP. Đồng thời phát động tháng chiến dịch “Vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn thành phố” nhằm tổng vệ sinh môi trường, phát thuốc sát khuẩn đến tất cả trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ để vệ sinh khử khuẩn lớp học.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục