Bệnh khảm lá khoai mì được phát hiện gây hại vào tháng 5-2017 tại tỉnh Tây Ninh sau đó lây lan nhanh sang các địa phương lân cận. Tính đến tháng 8-2018, bệnh đã xuất hiện, gây hại ở 10 tỉnh, thành phố (nặng nhất là Tây Ninh với trên 90% diện tích nhiễm bệnh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, TPHCM và Long An), với tổng diện tích 36.136ha, tăng 30.283ha so với năm 2017.
Trong đó tỷ lệ gây hại dưới 30% là 16.242ha; từ 30% - 70% là 11.800 ha; trên 70% là 8.092ha và khoảng 242ha bị bệnh quá nặng, không có khả năng khai thác đã được tiêu hủy.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, bệnh lan truyền qua cây giống, nếu không tổ chức phòng chống, tiêu hủy nguồn bệnh khảm quyết liệt và kiểm soát tốt chất lượng giống thì bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Các địa phương đã phát hiện nhiễm bệnh khảm cần chỉ đạo nông dân khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc trừ virus bọ phấn trắng, tiêu hủy nguồn bệnh triệt để, đồng thời hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác và thực hiện tốt công tác kiểm dịch nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp mua bán, đưa giống từ các vùng đang có dịch sang nơi khác.
Về lâu dài, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức để nghiên cứu, xem xét việc nhập khẩu ong ký sinh để kiểm soát virus bọ phấn trắng. Đề nghị các viện, trường thực hiện nghiên cứu chọn tạo các giống kháng, chống chịu với vi rút bệnh khảm.