Hỏi: Một số cây mạ trong ruộng cao hơn bình thường, màu sắc cũng nhạt hơn, sau đó lụn đi rồi chết. Nếu sử dụng thuốc trừ bệnh thông thường xử lý hạt giống có phòng ngừa được không?
(Thạch Văn, ấp Đại Tường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh)
Trả lời: Bệnh này gọi là bệnh mạ đực (lúa đực, lúa von). Có hai triệu chứng điển hình trái ngược: Thứ nhất, cây mạ bệnh mọc cao hơn bình thường, tép lúa cao, mảnh mai, màu xanh vàng nhạt. Thứ hai, cây lúa non lùn, tép lúa còi cọc không phát triển, gốc và rễ lúa dần dần thối đi, đôi khi các đốt thân mọc rễ. Trong bụi lúa vài chồi mắc bệnh và chết, nếu cây lúa sống, vẫn trổ bông nhưng hạt lép và lửng. Bệnh dễ phát sinh khi bón nhiều đạm, nhiệt độ cao (300C-350C). Bệnh nhiễm qua hạt do nấm Gibberella fujikuroi (tên khác Fusarium moniliforme). Tùy theo dòng và các điều kiện môi trường mà gây ra triệu chứng cao hay lùn. Bệnh lúa von lây lan qua hạt bị nhiễm nấm bệnh ngay từ lúc mới trổ, đất hay rơm rạ cũng làm phát tán và lưu tồn nguồn bệnh từ vụ này sang vụ khác.
* Biện pháp phòng trừ: Mua giống ở các cơ sở có uy tín hoặc giống có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng hạt giống ở ruộng có bệnh. Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. Xử lý hạt giống bằng nước nóng 550C hoặc trộn hạt giống đã ngâm ủ vừa nhú mộng với dung dịch thuốc trừ nấm 0,1% trong 2 giờ. Thuốc có hiệu quả tốt là Bendazol, Carbenzim, Hạt Vàng, Thio-M... Khi mạ hoặc giai đoạn đầu lúa sạ, nếu có bệnh phải phun thuốc ngay và bơm nước (nếu ruộng thiếu nước). Có thể phun thuốc từ 1-2 lần, cách nhau 10 ngày.
VÂN PHI
(Công ty TNHH 1 thành viên BVTV Sài Gòn)