Mặc dù từ năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2011/TT-BYT hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện (BV), nhưng đến nay vẫn không ít BV chưa thực hiện. Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, vẫn còn gần 30% BV chưa thành lập khoa (tổ) dinh dưỡng, trong đó chủ yếu là BV tuyến huyện, tỉnh. Đánh giá sau 3 năm thực hiện công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV của Bộ Y tế cho thấy hoạt động này còn nhiều bất cập.
Bệnh nhân suy dinh dưỡng
Là BV đa khoa, BV Nhân dân Gia Định TPHCM đã sớm thành lập Khoa Dinh dưỡng từ năm 1998. Theo TS-BS Tạ Thị Tuyết Mai, phụ trách dinh dưỡng BV Nhân dân Gia Định, qua đánh giá cho thấy tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nhập viện chiếm tỷ lệ rất cao, trong đó bệnh nhân nằm khoa hồi sức tích cực chống độc đến 65%, bệnh nhân lão khoa 72,3%, bệnh nhân ung thư đại tràng trước phẫu thuật 83,5%...
Theo TS Mai, đây là những bệnh nhân có nguy cơ thở máy kéo dài, nhiễm khuẩn BV, nằm viện kéo dài dẫn đến tiêu tốn chi phí. “Khoa dinh dưỡng của BV có 3 trách nhiệm chính là tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân trước xuất viện; hội chẩn nuôi ăn bệnh nhân tại giường; cung cấp suất ăn bệnh lý (nuôi ăn đường miệng, nuôi ăn qua ống thông)”, TS Mai cho biết. Tuy nhiên, cũng theo TS Mai, do bệnh nhân quá đông nên bệnh viện không đủ nhân sự thực hiện đánh giá tất cả bệnh nhân ngoại trú (3.000 lượt khám/ngày); không đánh giá được tình trạng suy dinh dưỡng và không thể chọn lọc được đối tượng cần được tư vấn dinh dưỡng…
Tại BV Chợ Rẫy, nơi có hơn 5.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị mỗi ngày, công tác dinh dưỡng cũng được quan tâm, nhất là dinh dưỡng đối với các bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường, suy thận, gan… Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy, từ 2011 đến nay tỷ lệ bệnh nhân được ăn theo bệnh lý đã tăng từ dưới 50% lên 65% và nay đạt trên 75%.
TS Tâm cũng cho rằng một tỷ lệ lớn bệnh nhân vẫn chưa được tư vấn, giám sát về dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân khác nhau… Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhi có một ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều trị. Theo BS Hoàng Thị Tín, Khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 1, dinh dưỡng là phần không thể thiếu trong điều trị. Qua quá trình thực hiện, hiện nay 87,5% khoa của BV Nhi đồng 1 đạt yêu cầu về nơi cấp phát thức ăn cho bệnh nhân và còn 6,25% khoa chưa thực hiện được do diện tích khoa quá chật hẹp.
Theo Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, qua khảo sát đánh giá cho thấy phần lớn BV tại TPHCM đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng tiết chế cho người bệnh. Tuy nhiên, số BV có khoa, tổ dinh dưỡng cũng mới đạt 70%. Đáng chú ý, hơn 1/3 BV tư nhân chưa đáp ứng dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh (hiện chỉ có 10/34 BV tư nhân đáp ứng, đạt 29,4%). Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, hoạt động dinh dưỡng, tiết chế trong BV vẫn chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức; công tác đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú, xây dựng kế hoạch can thiệp về dinh dưỡng, cung cấp suất ăn chưa được thực hiện đầy đủ…
Chất lượng không bảo đảm
Qua giám sát đánh giá của Bộ Y tế, phần lớn BV vẫn chưa quan tâm đến dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh, nhất là ở các tuyến BV quận, huyện, tuyến tỉnh. Hiện BV thành lập khoa dinh dưỡng là 276 BV, và 331 BV thành lập tổ dinh dưỡng (đạt 71,2%); còn 245 BV chưa thành lập khoa (tổ) dinh dưỡng (chiếm 28,8%).
Đặc biệt, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, chỉ mới 23% BV tuyến huyện có khoa (tổ) dinh dưỡng, tỷ lệ các BV thuộc trường đại học và BV ngành chưa thành lập khoa (tổ) dinh dưỡng còn khá cao. “Tổ chức dinh dưỡng, tiết chế trong BV chưa được hoàn thiện theo yêu cầu, nhân lực còn thiếu và chưa thích hợp. Trong số các BV thành lập khoa dinh dưỡng thì trưởng khoa là bác sĩ chiếm tỷ lệ quá ít (45,6%), rất ít trưởng khoa là cử nhân dinh dưỡng (0,3%); số BV có phòng khám và tư vấn dinh dưỡng không cao”, PGS Khuê nhìn nhận.
Cùng quan điểm trên, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng hạn chế của công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV là nhân lực chuyên môn còn thấp, chưa được đào tạo tập huấn chính quy. Mặt khác, do yếu tố cơ sở vật chất chật hẹp nên nhiều BV không triển khai khoa (tổ) dinh dưỡng theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. “Cái đáng buồn là nhiều BV giao khoán toàn bộ chế biến suất ăn bệnh lý cho căn tin BV nên không đảm bảo chất lượng chuyên môn”, BS Diệp nói. Hơn nữa, theo BS Diệp, hiểu biết và nhận thức của người bệnh về dinh dưỡng còn hạn chế, chưa hợp tác và không đăng ký ăn chế độ trong BV…
Để đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo BV, xây dựng đúng quy trình, quy chuẩn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV mà Thông tư 08/2011/TT-BYT đã hướng dẫn. Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy, cần nghiên cứu đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho chế độ ăn bệnh lý nhằm xây dựng quy định bệnh nhân nằm viện phải ăn theo chế độ do BV cung cấp.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên yêu cầu lãnh đạo các BV nghiêm túc tổ chức thực hiện công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV, nhất là bổ sung nguồn nhân lực, tổ chức khoa (tổ) dinh dưỡng hợp lý. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động chuyên môn về dinh dưỡng và có quy định phối hợp giữa khoa dinh dưỡng với các khoa phòng khác; tuân thủ quy trình sàng lọc dinh dưỡng, quy trình khám dinh dưỡng cho bệnh nhân…
TƯỜNG LÂM