Bệnh tay chân miệng bùng phát dữ dội - Sai sót điều trị, lơ là phòng chống

Khắp cả nước, số người mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng đang tăng mạnh, trong khi đó, Bộ Y tế và nhiều địa phương vẫn cho rằng, căn bệnh nguy hiểm này đang được kiểm soát và không công bố dịch tay chân miệng. Đáng lo ngại hơn do bệnh nhân tay chân miệng tăng quá cao, khiến nhiều bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán, điều trị căn bệnh này gặp nhiều sai sót, lúng túng làm bệnh nhân tử vong…
Bệnh tay chân miệng bùng phát dữ dội - Sai sót điều trị, lơ là phòng chống

Khắp cả nước, số người mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng đang tăng mạnh, trong khi đó, Bộ Y tế và nhiều địa phương vẫn cho rằng, căn bệnh nguy hiểm này đang được kiểm soát và không công bố dịch tay chân miệng. Đáng lo ngại hơn do bệnh nhân tay chân miệng tăng quá cao, khiến nhiều bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán, điều trị căn bệnh này gặp nhiều sai sót, lúng túng làm bệnh nhân tử vong…

Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng, hiện bệnh tay chân miệng đã lan ra khắp cả nước, tất cả 63/63 tỉnh thành đều đã ghi nhận có người mắc tay chân miệng, trong đó Cao Bằng và Tuyên Quang là 2 tỉnh cuối cùng ghi tên vào “bản đồ” bệnh tay chân miệng. Tích lũy từ đầu năm tới nay, cả nước đã có hơn 71.472 người bị tay chân miệng, trong đó có trên 130 trường hợp tử vong.

Nhiều trẻ em mắc tay chân miệng nặng được cứu sống tại BV Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: TR. NG.

Nhiều trẻ em mắc tay chân miệng nặng được cứu sống tại BV Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: TR. NG.

Đến thời điểm này, phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng đã được Bộ Y tế chỉnh sửa và phổ biến rộng rãi cho các tuyến điều trị, nhưng việc chẩn đoán, điều trị căn bệnh này vẫn gặp không ít lúng túng, sai sót dẫn tới nhiều ca tử vong nhanh.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho rằng, đây là một thực tế đáng lo ngại đang diễn ra tại nhiều địa phương có bệnh tay chân miệng hoành hành, nhất là các tỉnh phía Nam. Do số bệnh nhân nhập viện quá đông nên nhiều ca bệnh nặng không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến tử vong chỉ sau vài giờ nhập viện. Hơn nữa, cơ sở y tế tuyến dưới thường gặp các lỗi như chẩn đoán nhầm, điều trị không đúng phác đồ, theo dõi không chặt chẽ dẫn đến bệnh nhân sốc nặng kéo dài. Thậm chí, ngay cả khi bác sĩ đã chẩn đoán chỉ đích danh bệnh nhân mắc tay chân miệng thì lại xuất hiện tình trạng phân loại bệnh sai. Có bệnh nhân mức độ nhẹ nhưng vẫn được chuyển lên tuyến trên dẫn đến quá tải bệnh viện tuyến trên, trong khi trường hợp chẩn đoán là mắc mức độ nặng lại không được chuyển tuyến trên khiến việc điều trị không kịp thời, dẫn đến tử vong.

Trước thực tế trên, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhưng có trẻ tử vong, trẻ không tử vong là do đáp ứng miễn dịch ở cơ thể trẻ khác nhau. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là bệnh nhân tay chân miệng bị viêm cơ tim, phù phổi nếu vẫn cố chuyển tuyến điều trị làm thay đổi tư thế có thể khiến tim ngừng đập, trẻ tử vong nhanh. Do đó, các bác sĩ cần phải xác định rõ bệnh tình của trẻ mắc tay chân miệng nhất là với trường hợp bệnh nhân bị viêm cơ tim cần điều trị tại chỗ, không được vận chuyển vì thay đổi tư thế có thể gây ngừng tim và tử vong.

Nhiều chuyên gia dịch tễ tiếp tục cảnh báo, bệnh dịch tay chân miệng sẽ còn tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp cho tới tháng 11. Trước những yếu tố trên, rõ ràng bệnh tay chân miệng đang diễn ra rất phức tạp và có nguy cơ mất khả năng kiểm soát. Thế nhưng, đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng như các địa phương vẫn chưa tiến hành công bố dịch tay chân miệng trên phạm vi toàn quốc hay trên phạm vi tỉnh thành. Lý giải cho việc này, Bộ Y tế vẫn cho rằng, số người mắc tay chân miệng đang có chiều hướng giảm và căn bệnh này vẫn đang trong tầm kiểm soát. 

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục