Bệnh viện Nhi đồng 2 - Chiến lược vì trẻ em Việt Nam

Thông tin bạn đọc cần biết

Tọa lạc ngay khu vực trung tâm TPHCM, có một bệnh viện cổ kính với khuôn viên rộng đến 8,5 hecta, hình thành từ năm 1867. Trải qua biết bao thăng trầm cùng những giai đoạn lịch sử, bệnh viện này vẫn trường tồn với tôn chỉ và sứ mệnh cao cả vì sức khỏe cộng đồng. Sau hơn 3 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, bệnh viện đã được chuyển đổi dành riêng cho việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Cũng từ đây, thương hiệu Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nối quá khứ tạo nên những hình ảnh đáng tự hào, nhận được tri ân từ nhiều thế hệ người dân thành phố.

Hành trình từ những khó khăn

Bệnh viện Nhi đồng 2 - Chiến lược vì trẻ em Việt Nam ảnh 1

Lãnh đạo TP.HCM trao Huân chương Lao động hạng 2 cho Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Việt Dũng

Nhắc lại lịch sử hình thành Bệnh viện Nhi đồng 2, mọi người không thể không nhắc đến thời điểm ngày 1-6-1978, ngày mà bệnh viện này chính thức đi vào hoạt động với điều kiện thiếu thốn trăm bề.

Tài sản quý giá nhất lúc bấy giờ chỉ gồm đội ngũ y, bác sĩ được hình thành thì nguồn trí thức Sài Gòn còn trụ lại sát cánh cùng với các đồng nghiệp từ chiến khu đi ra, từ miền Bắc trở vào.

Trang thiết bị thiếu thốn, thuốc men của bệnh viện cũng luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Nhiều bác sĩ của “một thời gian khổ” ấy nhớ lại: “Tất cả anh chị đều đạp xe đi làm và mang theo cơm để ăn. Nói là cơm nhưng thực chất là cơm độn bo bo và chúng tôi cùng ngồi ăn, san sẻ cho nhau miếng cá, đĩa rau. Dây truyền dịch, kim tiêm, gạc phẫu thuật… đều phải rửa, hấp lại để tái sử dụng nhiều lần. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng tập thể anh chị em vẫn bám trụ bệnh viện để thực hiện công tác khám chữa bệnh cho trẻ em”.

Ngay trong những điều kiện khó khăn như vậy, nhưng nhiều bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn say mê nghiên cứu khoa học, để rồi 30 năm qua bệnh viện đã để lại rất nhiều dấu son trong lịch sử ngành y nước nhà. Điển hình như bác sĩ Nguyễn Văn Bôn đã mày mò, chế tạo ra máy tháo lồng bằng hơi, giúp hàng vạn cháu bé bị lồng ruột cấp không phải phẫu thuật như trước. Đến bây giờ, chiếc máy này vẫn được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các cơ sở y tế trong và ngoài nước.

Tiếp đến, Giáo sư - Bác sĩ Trần Đông A cùng tập thể khối ngoại của bệnh viện đã tìm ra tác nhân và cơ chế gây bệnh viêm ruột hoại tử và xuất huyết não do phấn rôm giả. Nhờ những công trình nghiên cứu này, bệnh viện đã đối phó hiệu quả với các loại dịch bệnh hiểm nghèo.

Đặc biệt, năm 1988, ê kíp bác sĩ, điều dưỡng, gây mê, hồi sức của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có những đóng góp to lớn trong việc phẫu thuật tách hai cháu Việt - Đức. Ca phẫu thuật thành công trở thành sự kiện nổi bật lúc bấy giờ, đồng thời làm nức lòng nhân dân cả nước và được bạn bè thế giới ngả mũ thán phục.

Những năm gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực ghép tạng. Thành công từ 6 trường hợp ghép gan và 5 trường hợp ghép thận đánh dấu sự trưởng thành của nền y học nước nhà dưới góc nhìn của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, Bệnh viện cũng vừa đưa vào hoạt động “Khu phòng mổ thân thiện” để phẫu thuật cho trẻ về trong ngày. Khu phòng mổ này ra đời lần đầu tiên tại Việt Nam đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện, giảm thời gian, chi phí điều trị cho bệnh nhân. Quan trọng hơn, nơi đây đang tạo dựng nên hình ảnh mới mẻ, thật sự thân thiện của khu vực y tế công lập vốn từ lâu đã có nhiều ấn tượng chưa tốt.

Bác sĩ Trần Văn Thảo, Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định: “Ngoài những mốc son kể trên, chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 còn có 92 công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, thành phố, cấp bộ và cấp quốc gia được nghiệm thu. Đặc biệt, phương pháp phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não, tim mạch, ghép cơ quan nội tạng và nhiều phẫu thuật phức tạp khác ở hầu hết các chuyên khoa như hô hấp, tiêu hóa, thận - niệu, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt… đang được triển khai và đạt những thành quả to lớn”.

Tự tin hướng về tương lai

Tiến sĩ - Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 tự hào cho biết: “Từ một bệnh viện đa khoa lúc trước, đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã trở thành một trong 3 bệnh viện nhi hàng đầu của cả nước. Từ một bệnh viện có đội ngũ y, bác sĩ khá mỏng, đến nay, bệnh viện có 1.000 giường với hơn 1.000 cán bộ, trong đó có 240 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và dược sĩ cao cấp”.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa được Đảng và Nhà nước vinh danh bằng “Huân chương Lao động hạng 2”, danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” và “Chiến sĩ thi đua Toàn quốc” cho tập thể và những cá nhân có đóng góp xuất sắc.

Tuy vậy, Thạc sĩ - Bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khiêm tốn cho biết thêm: “Thành công có được ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, do cả tập thể cán bộ - công nhân viên từ những ngày đầu thành lập đến nay tạo ra. Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn còn những thử thách đang chờ đợi phía trước đòi hỏi thế hệ chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Được biết, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, Sở Y tế Paris (Pháp), Hội Phẫu thuật Hoàng gia Ireland, Viện - Trường Đại học Vương quốc Bỉ đã và đang chuyển giao công nghệ cao cũng như giúp đỡ đào tạo 2 tiến sĩ, 60 bác sĩ, 13 điều dưỡng ở các chuyên khoa mũi nhọn như phẫu thuật ghép tạng, nội soi, gây mê, hồi sức - cấp cứu.

Trước nhu cầu cấp thiết được chăm sóc điều trị kỹ thuật cao của nhân dân thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã đề xuất và được Ủy ban Nhân dân TPHCM chấp thuận chủ trương xây dựng một khu phẫu thuật nhi chuyên sâu bao gồm Trung tâm ghép tạng (ghép gan và ghép thận) trẻ em, khu phẫu thuật tim hở, khu phẫu thuật và hồi sức sơ sinh. Đặc biệt trong thời gian tới, bệnh viện cũng triển khai khoa điều trị ung thư ở trẻ em (ung thư máu, ung thư mắt, ung thư thận).

Toàn bộ những chuyên khoa điều trị bệnh học nói trên đều nằm trong chiến lược phát triển bệnh viện trở thành nơi điều trị chuyên khoa nhi đầu ngành cả nước, thực hiện ước nguyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đến thăm Bệnh viện Nhi đồng 2 là “Dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”.

MINH NGUYỄN – HƯƠNG GIANG

 Thông tin bạn đọc cần biết

° Bệnh viện Nhi đồng 2 tiền thân là bệnh viện do người Pháp xây dựng vào năm 1967. Bệnh viện đã lần lượt mang tên Bệnh viện Hải quân - Bệnh viện Quân đội - Bệnh viện Grall - Bệnh viện Đồn Đất.

° Tháng 7-1976, Bệnh viện Đồn Đất được Chính phủ Pháp bàn giao cho Chính phủ Việt Nam, nhận nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cán bộ trung, cao cấp, dân chính Đảng đến từ các cơ quan Trung ương và TPHCM.

° Tháng 4-1978, Bệnh viện Đồn Đất chuyển về Bệnh viện Thống Nhất và bàn giao cơ sở để thành lập Bệnh viện Nhi đồng 2 theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân TPHCM.

° Ngày 1-6-1978, Bệnh viện Nhi đồng 2 chính thức ra đời với nhiệm vụ chăm sóc, điều trị trẻ em dưới 15 tuổi của TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Tin cùng chuyên mục