Mới 5 giờ sáng, trụ sở ban điều hành khu phố 5, số 88/13 Bình Trưng, phường Bình Trưng Đông, quận 2 đã nhộn nhịp tiếng các chị nói cười rôm rả.
Đều đặn 3 ngày mỗi tuần, các chị là thành viên ban công tác Mặt trận của 5 khu phố, hội viên trong các chi hội phụ nữ phường Bình Trưng Đông thay nhau đi chợ, nấu nướng phục vụ gần 300 suất cơm giá 2.000 đồng cho học sinh - sinh viên khó khăn, người lao động nghèo, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện quận 2 gần đó. Hơn 20 người già yếu, bệnh tật có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn cũng được các thành viên mang cơm đến tận nhà phục vụ.
Công việc chính là đi thu mua ve chai, phế liệu nhưng chị Võ Thị Thư gác lại đến chiều, dành toàn bộ thời gian mỗi tuần 3 buổi sáng tình nguyện phục vụ bếp ăn. Bữa ăn được duy trì vào các ngày thứ 3-5-7 hàng tuần thì chị Võ Thị Kim Phụng, bếp trưởng phải xoay xở từ chiều 2-4-6 mỗi tuần để bắt xe buýt sớm lên tận chợ đầu mối Thủ Đức mua thực phẩm giá rẻ, tính toán số tiền thu được… Để duy trì đều đặn bếp ăn 3 năm nay, luôn có gần 20 chị tình nguyện làm thường trực, vừa đóng góp kinh phí, đi thu nhặt ve chai bán tạo quỹ, vận động mạnh thường quân vừa trực tiếp nấu, phát cơm, dọn dẹp…
Đầu tháng 3-2014, bếp ăn nghĩa tình đến “tai” UBND quận 2. Lãnh đạo UBND quận và các đoàn thể cùng vào cuộc, nâng cấp bếp ăn, hỗ trợ một phần kinh phí và nhân lực tình nguyện giúp các chị. “Giúp đỡ người nghèo khó có được vài bữa ăn no, san sẻ, đùm bọc, yêu thương giữa con người với nhau. Với chị em chúng tôi, học tập Bác không phải là điều gì quá cao siêu mà bắt đầu từ những việc thật nhỏ và bình dị như thế này”, suy nghĩ của chị Trần Thị Thanh Thủy, Phó ban Điều hành khu phố, người “sáng lập” bếp ăn cách đây 3 năm cũng là suy nghĩ chung của các chị. “Nếu có nhiều sự ủng hộ của mạnh thường quân hơn nữa, người lao động nghèo, người nhà bệnh nhân, các em sinh viên xa nhà khó khăn sẽ có cơ hội đến bếp ăn nhiều hơn”, “bếp trưởng” Võ Thị Kim Phụng mong mỏi.
LINH ĐAN