Bí ẩn đền tháp Champa

Tìm cách giải mã bí ẩn
Bí ẩn đền tháp Champa

Đền tháp Champa (tiếng Chăm gọi là kalan) được xây dựng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XVII trên khắp vương quốc Champa. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những đền tháp Champa vẫn sừng sững, đỏ rực như ngọn lửa apsara bất chấp vương quốc sản sinh ra nó đã lụi tàn vào cuối thế kỷ XVII.

Khu đền tháp Mỹ Sơn

Khu đền tháp Mỹ Sơn

Tìm cách giải mã bí ẩn

GS-TS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhận định: “Ngay cả việc giải quyết hiện tượng rêu phong cho các khối gạch xây mới, mà người Chăm xưa kia đã giải quyết được, vẫn còn là một thách đố”. Theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (thế kỷ II - VI), tháp chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ. Giai đoạn 2, tháp xây theo cách tường gạch và mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh. Tháp Phú Diên, Mỹ Khánh ở Huế thuộc giai đoạn này. Giai đoạn 3 (thế kỷ VI – XVII), tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sự tham gia của đá sa thạch. Nhưng kỹ thuật xây tháp Chăm trong giai đoạn đỉnh cao như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa được thống nhất về mặt kiến giải.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người mệnh danh là “họa sĩ Chăm” (hiện công tác trùng tu tại khu đền tháp Mỹ Sơn) cho biết, cách đây 20 năm, ông cùng kiến trúc sư Kazimiers Kiwatskowski (Ba Lan) phát hiện dấu tích vỏ trấu trong một viên gạch Chăm ở khu đền tháp Mỹ Sơn. Phát hiện này khi đó được cho là ngẫu nhiên và không được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng rất có thể vỏ trấu là chất đốt cháy viên gạch mộc từ bên trong khi nung toàn khối. Quan điểm nung toàn khối do Leuba đề xướng năm 1923 với giả thuyết cho rằng người Chăm dùng đất sét phơi khô (gạch mộc) và dùng lửa đốt cháy cả khối vật liệu khổng lồ để xây dựng nên đền tháp Champa.

Về giả thuyết này, Th.S Nguyễn Hữu Thông nhận định: “Nung toàn khối là một truyền thống của người Chăm. Hiện nay lò gốm ở Bàu Trúc, Phan Rang được đánh giá là lạc hậu nhất thế giới, không có bàn xoay và chất củi đốt (không dùng than) nên nhiệt độ tạo ra chỉ 300 - 400°C. Tuy nhiên, giả sử muốn nung toàn khối thì cũng không thể thực hiện ngoài trời được. Vì nhiệt độ chỉ đạt 500 - 600°C. Trong khi gạch tháp Chăm hoàn chỉnh đã lên tới độ nung 1.000°C. Và nếu nung ở lò nung, gạch cũng không thể chín đều như vậy được. Vì có chỗ gạch nằm ở lỗ thông hơi, có gạch nằm ở chỗ gần củi đang cháy. Có lẽ chỉ có lò ga hiện đại mới đạt độ hoàn chỉnh đến như vậy. Một điều nữa là khi nung gạch mộc thì tạo sự đùn đẩy, vì thông số co giãn mỗi viên gạch chắc chắn là không giống nhau, sẽ gây ra đổ vỡ”.

Theo ông Lê Việt Thắng, cán bộ Bảo tàng Mỹ Sơn (Quảng Nam) gần đây phát hiện ra một ký tự “Trần” (viết bằng chữ Hán) tại một ngôi tháp ở Mỹ Sơn. Theo ông, đây có thể là phút ngẫu hứng của một người thợ thủ công nhà Trần khi đang xây dựng tháp Chăm. “Việc nghiên cứu sự góp mặt của những thợ thủ công người Việt tại khu đền tháp Champa rất có thể mở ra một hướng tìm kiếm mới cho việc giải mã các bí ẩn đền tháp Champa”, ông Lê Việt Thắng phấn khởi cho biết.

Một giả thuyết mới

Th.S Nguyễn Hữu Thông có một kiến giải về kỹ thuật xây dựng đền tháp Champa được dư luận và giới khoa học bàn luận khá sôi nổi. Ông cho rằng, việc xây dựng tháp Chăm có sự tham gia của những nhà sư, thương nhân và thợ thủ công Ấn Độ. “Như ngói lưu ly của nhà Nguyễn có sự tham gia của nghệ nhân Trung Quốc với vai trò thợ cả. Và sau này, khi họ về nước thì các xưởng ngói triều Nguyễn cũng bị suy tàn”, Th.S Nguyễn Hữu Thông cho biết.

Bởi theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, người Chăm không có truyền thống làm gạch: “Nếu muốn tạo ra một viên gạch chất lượng như gạch Chăm thì người Chăm phải có một truyền thống làm gạch. Nhưng qua khảo sát thì gạch lại không hề hiện diện trong đời sống của người Chăm. Kể cả công trình dân sinh và tín ngưỡng dân gian. Duy có thành lũy và tháp Chăm mới sử dụng gạch và lại là gạch đã ở đỉnh cao”.

Do đó, theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, chỉ có một cách suy diễn: “Thời đó các thương nhân và các nhà sư Ấn Độ đến Champa buôn bán, truyền đạo rất đông tại cả tiểu quốc Champa. Các thương nhân Ấn Độ lẫn Champa có lợi nhuận lớn. Do đó, họ đã góp sức “biếu” cho các tiểu quốc Champa những tòa tháp Ấn Độ giáo để lưu dấu vương quyền của các ông vua. Về thợ xây tháp Chăm, các thương nhân Ấn Độ đã tập hợp các thợ xây Ấn Độ khá dễ dàng. Bởi Ấn Độ luôn loạn lạc, chia rẽ nên các thợ xây Ấn Độ, bậc thầy về sử dụng gạch để xây dựng công trình tôn giáo đã vượt biển mưu sinh”.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Tin cùng chuyên mục