Một năm sau khi được ca ngợi là một trong những di chỉ khảo cổ học vĩ đại nhất của Hy Lạp, ngôi mộ được giả định là của Alexander Đại đế hiện vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Di chỉ này được phát hiện vào tháng 8-2014 tại Amphipolis, cách thành phố Serres 60km về hướng Bắc. Thời điểm đó, các nhà chức trách gọi đây là một phát hiện độc đáo. “Không còn ai làm việc ở đây nữa. Dự án đã bị đóng băng giống như nhiều khu khảo cổ ở Hy Lạp”, một bảo vệ tại khu vực này nói về thực trạng hiện tại, trong đó không quên đề cập đến vấn đề khủng hoảng kinh tế của đất nước dẫn đến việc phải cắt giảm chi tiêu đối với các dự án về văn hóa.
Một bức tượng được tìm thấy tại khu vực khai quật: Ảnh: AFP
Tại thời điểm mới được phát hiện, các nhà khảo cổ học đưa ra giả định đây có thể là ngôi mộ của Alexander Đại đế (niên đại từ năm 356 đến 323 trước Công nguyên) hoặc của những người thân cận với ông như bà mẹ Olympias hay vợ Roxana. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tìm kiếm ngôi mộ cho đến tận bây giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Trong khu vực này, người ta cũng phát hiện xương cốt của một người phụ nữ lớn tuổi, càng tăng thêm những hy vọng rằng rất có thể nó là mộ của mẹ Alexander. Xương của hai người đàn ông, một trẻ sơ sinh cùng xương các loài động vật như ngựa cũng được tìm thấy.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hy Lạp Nikos Xydakis từng lên tiếng chỉ trích chính quyền trước đây trong việc xử lý và bảo vệ khu vực khai quật này. Ông này cũng tiết lộ, một khoản tiền sẽ được phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho du khách có cơ hội tham quan khu vực này. Theo kế hoạch, số tiền 220.000 USD sẽ được chi ra nhưng bị trì hoãn do những vấn đề liên quan đến khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, một số nhà khảo cổ học lại cho rằng giả thiết đây là mộ của Alexander Đại Đế là không chính xác. Có ý kiến lập luận, ngôi mộ là của Hephaestion- một nhà quý tộc và tướng quân thời Macedonia cổ đại.Nhiều tài liệu khoa học trước đó khẳng định, Alexander Đại đế qua đời ở Babylon và được chôn cất tại thành phố Alexandria, nhưng vị trí chính xác ngôi mộ của ông vẫn là bí ẩn của ngành khảo cổ.
DUY HẢI