Bi hài chuyện sai sót trong xuất bản

Sai vì “lấy ảnh trên mạng”
Bi hài chuyện sai sót trong xuất bản

Sai sót trong xuất bản không còn là điều lạ, nhưng sai sót vừa qua lại gây xôn xao bởi sự khôi hài, cũng như dự liệu tiêu cực do sai sót gây ra.

Sai vì “lấy ảnh trên mạng”

Vụ cuốn sách ảnh 150 năm hình bóng Sài Gòn vừa bị phát hiện có 1 tấm ảnh không đúng sự thật, được nhiều người so sánh với vụ diễn viên Công Lý lên bìa sách luật 2 năm về trước. Đầu tiên, nguồn gốc bức ảnh từ trò đùa của một cá nhân, chỉnh sửa ảnh gốc thành một ảnh có ý nghĩa khác rồi đưa lên mạng. Sau đó chính tác giả cuốn sách, nhiếp ảnh gia Tam Thái trong khi tìm ảnh tư liệu trên mạng đã “bất cẩn” lấy ảnh về sử dụng mà không kiểm tra. Và cuối cùng là sai sót của đơn vị xuất bản khi không kiểm tra, phát hiện kịp thời để sách xuất hiện trên thị trường.

Tấm ảnh được đánh số 515 (góc dưới bên phải) là tấm ảnh chế bị đưa nhầm vào sách

Trường hợp sách ảnh thì ảnh gốc là một trong những bức ảnh nổi tiếng về cuộc chiến tranh Việt Nam với nhan đề The last helicopter của nhiếp ảnh gia Hà Lan Hubert van Es chụp vào trưa ngày 29-4-1975. Tấm ảnh này xuất hiện trên hầu hết các báo Mỹ số ra ngày 30-4 (giờ Mỹ, ở Việt Nam khi đó là 1-5) như một biểu tượng của việc kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Không những thế, cuốn sách ảnh còn nhầm lẫn về nội dung khi cho rằng chiếc trực thăng đậu trên nóc một tòa nhà ở đường Thống Nhất, trong khi vào tháng 4-2015, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, báo chí TPHCM đã đăng nhiều bài viết về tấm ảnh, trong đó có đầy đủ thông tin về tòa nhà số 22 Lý Tự Trọng này (khi đó là đường Gia Long).

Và cuối cùng, theo các chuyên gia đồ họa, bản thân tấm ảnh chỉnh sửa cũng không phải từ một chuyên gia giỏi nên rất cẩu thả, lộ rõ dấu vết cắt ghép khá thô thiển.

Lỗi tại ai?

Xét về mặt quản lý, giám đốc NXB Trẻ đã đứng ra nhận lỗi và tiến hành thu hồi cuốn sách. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, sai sót này được nhìn nhận ở vai trò của người biên tập đối với một xuất bản phẩm.

Theo bà Dương Ngọc Hân, nguyên Trưởng ban biên tập First News, người có hơn 20 năm trong nghề biên tập và được đánh giá là một trong các biên tập viên vững nghề nhất ở TP hiện nay thì tuy có nhiều điểm giống nhau nhưng bản chất hai sai sót là khác nhau. Ở vụ Công Lý đã được chứng minh là do sự thiếu trách nhiệm của đơn vị thực hiện, hình bìa chỉnh sửa không qua khâu giám sát. Ngược lại, vụ cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Tam Thái thì theo bà Hân đây có lẽ là lỗi “điểm mù biên tập”. Đây là cuốn sách ảnh có quá nhiều hình, người biên tập có lẽ đã sơ ý không quan sát hết để lọt lỗi này. Biên tập viên chỉ cần có trạng thái tâm lý hơi bất ổn, mệt mỏi… là rất dễ bỏ qua những lỗi đôi khi hết sức đơn giản. Cũng chính vì điều này, nghề biên tập được đánh là một nghề vừa đậm tính cá nhân do người biên tập chịu trách nhiệm trực tiếp với bản thảo lại vừa mang tính tập thể do đòi hỏi có sự hỗ trợ của đồng nghiệp để hạn chế sai sót.

Trước đây, khi xây dựng quy trình biên tập tại First News, bà Hân xây dựng theo quy tắc 3 người nhìn bản thảo. Tức là mỗi bản thảo ít nhất phải có 3 biên tập viên đọc qua, thậm chí với các bản thảo phức tạp, nhạy cảm, con số này có thể lên đến 4 người. Mọi người sẽ cùng nhau phát hiện sai sót nếu có, bổ sung khi cần thiết.

Biên tập viên - không chỉ sửa lỗi

Vai trò của người biên tập trong lĩnh vực xuất bản được đánh giá là cực kỳ quan trọng bởi chính họ mới là người trực tiếp tiếp xúc với bản thảo, chịu trách nhiệm với các sai sót của xuất bản phẩm. Chính vì điều này, Luật xuất bản mới đã quy định biên tập viên phải trải qua các lớp đào tạo bắt buộc và chỉ khi được cấp bằng mới được đứng tên biên tập tác phẩm. Cách làm này về lâu dài mang lại lợi ích cho công tác xuất bản nhưng trước mắt, nó lại dẫn đến nhiều hệ lụy.

Đầu tiên phải nói đến giáo trình giảng dạy biên tập còn chưa cập nhật với thời đại nên nhiều trường hợp biên tập viên giỏi, lâu năm không hài lòng khi phải học những thứ quá bình thường nên không đi học và dĩ nhiên là không có bằng. Nhiều NXB đã bị hẫng khi các biên tập viên giỏi lại không thể đứng tên xuất bản nên đã xảy ra tình trạng “đứng tên khống”, nghĩa là biên tập viên có bằng đứng tên để hợp pháp hóa còn công tác biên tập thực sự là biên tập viên khác. Do người biên tập giỏi thường rất tự trọng, muốn đứng tên chịu trách nhiệm nên có NXB đã đề ra một cái tên khác như người “thực hiện bản thảo”, thực tế đây mới là biên tập chính của sách.

Một vấn đề khác là đến nay, rất nhiều người vẫn coi biên tập là công việc sửa lỗi chính tả trong khi đó đây là công việc rất phức tạp, ở các nước còn được gọi là người xây dựng bản thảo. Biên tập viên tiếp nhận ý tưởng của tác giả, dựa vào hiểu biết về nhu cầu bạn đọc để cùng tác giả chỉnh sửa, viết lại bản thảo thậm chí phối hợp với các chuyên gia để cuối cùng ra được một tác phẩm trọn vẹn.

Trường hợp cuốn sách Thai giáo có thể là điển hình của một quá trình biên tập xây dựng bản thảo. Theo tác giả Phạm Thị Thúy thì ban đầu nó chỉ là một dạng sổ tay, viết rất đơn giản nhưng ý tưởng của sách được biên tập viên đánh giá rất cao, đề nghị viết lại toàn bộ, chỗ này bỏ đi, chỗ kia thêm vào, mời các chuyên gia tham dự, mời cả người nổi tiếng (cố GS Trần Văn Khê) hỗ trợ… Kết quả, Thai giáo trở thành cuốn sách rất nổi tiếng trong việc hỗ trợ các bà mẹ giáo dục con từ khi chưa sinh.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục