Những năm gần đây, cùng với việc bạn đọc ngày càng quan tâm chú ý hơn đến sách, nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi văn hóa đọc. Thị trường sách trong nước ngày càng mở rộng cả về quy mô bán sách cũng như số lượng người đọc sách. Sách cũng có sự biến đổi, nhiều tác phẩm ngày càng hay hơn về nội dung, hấp dẫn về hình thức và còn có sự lôi cuốn với hoạt động bên lề như giao lưu tác giả, xuất bản cùng lúc với thế giới, sách tương tác, sách điện tử…
Thế nhưng, cũng từ sự phát triển này, một vài người đã phát hiện ra sách cũng là một cách để thực hiện những mục tiêu cá nhân của mình, trong đó có việc tự đánh bóng tên tuổi. Tiêu biểu trong số đó có các tác phẩm “Sợi xích” của Lê Kiều Như và “Từ cậu bé chăn trâu đến ông Tổng Giám đốc Agribank” nói về vị TGĐ Agribank Lê Văn Sở (đã về hưu). Tuy nhiên, nói cho cùng vụ “Sợi xích” cũng chỉ là chuyện bày trò của một cô gái muốn nổi danh bất chấp dư luận, vụ “Từ cậu bé chăn trâu…” cũng chỉ là lòng ham muốn hư vinh.
Thế nhưng, vừa qua dư luận chấn động vì cuốn sách có nhan đề “Tài năng và đắc dụng” do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản, cuốn sách này được dán nhãn “tài liệu nghiên cứu” với chủ biên là các vị có vẻ hiểu cao biết rộng. Sách chia làm nhiều phần như quản lý, lãnh đạo, khoa học, kinh tế… Trong đó liệt kê một số vĩ nhân trong lịch sử Việt Nam ở các lĩnh vực như Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Trần Văn Giàu… và Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, ông chủ doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên), đứng ngang hàng với Bill Gates, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Công Trứ trong lĩnh vực kinh tế!
Điều đáng nói là khi các nhân vật kia hoặc đã được lịch sử khẳng định năng lực hoặc đang là doanh nhân nổi bật nhất nhì thế giới thì Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng rõ theo tiêu chí nào lại được đứng chung với họ khi thống kê về mọi mặt như giá trị đóng góp cho xã hội, doanh thu, lợi nhuận… đều kém xa nhiều doanh nhân khác ngay trong giai đoạn hiện nay chứ chưa nói tới các nhân vật lịch sử.
Không những thế, trong khi các vĩ nhân khác được nhắc qua một cách vắn tắt thì Đặng Lê Nguyên Vũ lại được nồng nhiệt đề cập cụ thể nhất, chi tiết nhất, bỏ xa các vĩ nhân khác. Nhiều người đã nhận xét rằng trong “Tài năng và đắc dụng” các vĩ nhân của đất nước, của nhân loại chỉ làm nền, còn Đặng Lê Nguyên Vũ mới là nhân vật chính cần tôn vinh (!). Chuyện càng hài hước hơn khi Đặng Lê Nguyên Vũ cũng chính là thành viên ban biên soạn của cuốn sách.
Điều đáng nói là các cuốn sách gây tai tiếng kể trên không phải là in chui hay do một NXB tỉnh lẻ nào đấy thực hiện mà là sản phẩm của một NXB tên tuổi với đội ngũ biên tập viên uy tín, có trình độ cao. Ấy thế mà sách “Tài năng và đắc dụng” vẫn cứ dễ dàng chui lọt các tấm lọc khó tính nhất để đem đến cho bạn đọc những cú sốc về văn hóa đọc. Trách nhiệm của các NXB và cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản đã tỏ rõ sự bất cập và khó hiểu?
XUÂN THÂN (quận 10)